SUY GIÃN TĨNH MẠCH: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG & CÁCH PHÒNG BỆNH

Chia sẻ bài viết

Nguyên nhân suy giãn tĩnh mạch?

Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các mạch máu bị giãn, xoắn, phình ra ngay dưới bề mặt da, thường xuất hiện ở chân, bàn chân và mắt cá chân và có thể quan sát bằng mắt thường.

Thông thường, động mạch đóng vai trò đưa máu từ tim đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Còn tĩnh mạch đưa máu các cơ quan về tim. Tĩnh mạch có suy van một chiều, chỉ đưa máu từ tim đi các cơ quan, không đi chiều ngược lại. Đặc biệt ở chi dưới, có rất nhiều van một chiều. Suy giãn tĩnh mạch xảy ra khi thành tĩnh mạch bị yếu đi, áp lực trong tĩnh mạch tăng lên khiến cho tĩnh mạch giãn ra. Khi đó, các van giữ cho máu di chuyển theo một hướng trong tĩnh mạch không thể hoạt động như bình thường. Máu chảy chậm, bị ứ đọng lại trong tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch giãn ra và đi ngoằn ngoèo.

Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh rất thường gặp, nữ giới thường có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới. một số nguyên nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch bao gồm:

  • Tư thế sinh hoạt, làm việc: Nếu phải đứng hay ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động, phải mang vác nặng… tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu dần gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van bị suy yếu sẽ làm giảm khả năng ngăn chặn dòng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân. Vì vậy, giáo viên, nhân viên văn phòng, thợ dệt, bác sĩ, cảnh sát giao thông...  dễ mắc bệnh hơn.
  • Người béo phì rất dễ bị bệnh giãn tĩnh mạch chân. Nguyên nhân là do những người béo phì hầu như đều có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ít chất xơ, lại có xu hướng ít vận động. Bên cạnh đó, cơ thể nặng nề dẫn đến áp lực lớn dồn đến chân và gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch.
  • Phụ nữ mang thai cũng dễ mắc suy giãn tĩnh mạch chân. Nguyên nhân là do mang thai, cổ tử cung mở rộng, các hormone tăng tiết và thay đổi một cách đột ngột. Hàm lượng tiết tố nữ tăng cao và khi thai to gây chèn ép tĩnh mạch cản trở máu về tim là nguyên nhân gây ra giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, vào lúc mang thai thì các mẹ bầu không có biểu hiện gì hoặc những triệu chứng sẽ biến mất sau khi sinh. Nhưng khoảng 3 – 5 năm sau, phụ nữ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khởi phát của bệnh giãn tĩnh mạch.
  • Phụ nữ đi giày cao gót thường xuyên dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân. Việc thường xuyên mang giày cao gót, mặc quần áo bó sát sẽ tăng áp lực đến hệ tĩnh mạch ngoại biên, gây tăng áp lực lên chân, dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở phụ nữ.

Ngoài ra, các đối tượng như người cao tuổi, táo bón kinh niên, lười thể dục, hút thuốc lá, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin… cũng dễ mắc  suy giãn tĩnh mạch

Hầu hết các trường hợp suy giãn tĩnh mạch không nguy hiểm, chỉ gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin, kèm với đó là cảm giác ngứa ran, nhức chân…, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu giãn tĩnh mạch nặng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng hơn như hình thành cục máu đông, huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch?

Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường tiến triển chậm, ít biểu hiện. Triệu chứng đầu tiên của bệnh là: 

  • Mỏi chân và xuất hiện phù nhẹ khi phải đứng lâu, ngồi nhiều.
  • Chuột rút vào buổi tối.
  • Cảm giác bị kim châm, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm.
  • Xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ li ti ở chân, nhất là ở cổ chân và bàn chân.

Giai đoạn tiến triển:

  • Phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân.
  • Thay đổi màu sắc da vùng cẳng chân.
  • Có thể thấy các búi tĩnh mạch giãn nổi rõ trên da.

Giai đoạn biến chứng:

  • Viêm tĩnh mạch nông huyết khối.
  • Chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch.
  • Nhiễm khuẩn vết loét trong suy tĩnh mạch mạn tính.

Phân độ suy tĩnh mạch chi dưới theo CEAP:

  • Độ 0: chưa có biểu hiện bệnh lý tĩnh mạch thấy được hay sờ được.
  • Độ 1: có mao mạch giãn hoặc lưới tĩnh mạch giãn với đường kính < 3mm.
  • Độ 2: giãn tĩnh mạch với đường kính > 3mm.
  • Độ 3: phù chi dưới nhưng chưa biến đổi trên da.
  • Độ 4: loạn dưỡng da gây biến đổi sắc tố da, chàm tĩnh mạch, xơ mỡ da, …
  • Độ 5: biến đổi sắc tố da kèm vết loét đã lành.
  • Độ 6: biến đổi sắc tố da  kèm vết loét đang tiến triển, không lành.

 

Làm gì để phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch?

Để ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch tiến triển nguy hiểm, người bệnh nên chủ động đến gặp bác sĩ để thăm khám và được điều trị sớm. Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ suy giãn tĩnh mạch, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp như: điều trị nội khoa, phẫu thuật giãn tĩnh mạch, hoặc laser, hay sóng cao tần nội mạch… nhằm loại bỏ tĩnh mạch nông bị bệnh… từ đó, giúp người bệnh giảm đau, giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm.

Để phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch nên thực hành lối sống khoa học, lành mạnh giúp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả chứng suy giãn tĩnh mạch:

  • Không đi đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, nên đứng dậy đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng sau mỗi 30 phút ngồi/đứng làm việc để giúp máu lưu thông tốt hơn.
  • Khi nằm nghỉ, ngủ có thể kê chân cao bằng một chiếc gối mềm, giúp máu về tim tốt hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên, nên tập đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày và ưu tiên những bài tập giúp tăng cường sức khỏe các cơ ở chân, giúp ngăn ngừa sự hình thành các búi giãn tĩnh mạch mới như bài tập nâng cẳng chân, nhón chân, đi tại chỗ, xoay cổ chân…
  • Phụ nữ cần hạn chế đi giày cao gót hoặc hạn chế mặc quần bó sát người và hạn chế sử dụng thuốc tránh thai dài ngày (nên thay đổi biện pháp tránh thai cho phù hợp do bác sĩ chuyên khoa tư vấn).
  • Bổ sung nhiều chất xơ, vitamin vào thực đơn hàng ngày và uống nhiều nước.

 

 

Bài viết liên quan

Gọi miễn phí
Gọi miễn phí