CẨN TRỌNG NGUY CƠ SỞI TRÁI MÙA

Chia sẻ bài viết

Bệnh sởi là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus sởi (virus Polinosa morbillorum) gây ra. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm và phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Virus này ảnh hưởng đến hệ hô hấp và lan truyền nhanh chóng qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt nước bắn ra từ mũi hoặc miệng của người bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi, cũng như qua tiếp xúc với các bề mặt mà virus đã lưu lại. 

Mùa dịch sởi thường bắt đầu vào mùa xuân và khi thời tiết nóng ấm. Độ ẩm trong không khí cao tạo môi trường thích hợp cho virus sởi sống sót và lây lan cho những người xung quanh. Hằng năm, tháng 3-4 là thời điểm trẻ bị mắc sởi nhiều nhất và khả năng lây lan bệnh rất nhanh, có thể trở thành đại dịch nếu không có biện pháp cách ly kịp thời nguồn bệnh. Tuy nhiên, trẻ có thể mắc sởi vào mùa hè, ngay cả khi tiêm phòng vaccine và các triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh khác, dẫn đến biến chứng nguy hiểm. 

Triệu chứng khi mắc bệnh?

Trong 10 đến 14 ngày đầu tiên sau khi bị nhiễm. Người bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh. Vì là những triệu chứng không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, bệnh sởi thường bắt đầu bằng sốt nhẹ đến trung bình, kèm theo ho dai dẳng, sổ mũi, viêm kết mạc và đau họng. Dấu hiệu này có thể kéo dài hai hoặc ba ngày. Sau thời gian ủ bệnh, bệnh sởi xuất hiện các triệu chứng và dấu hiệu như:

  • Sốt
  • Ho khan
  • Sổ mũi
  • Ăn không ngon
  • Chảy máu cam
  • Đau họng
  • Viêm kết mạc
  • Xuất hiện những đốm Koplik trắng nhỏ với tâm màu trắng hơi xanh trên nền đỏ bên trong miệng hay trên niêm mạc bên trong của má.

Sau đó xuất hiện các nốt phát ban, những đốm nhỏ màu đỏ, hơi sưng. Vài ngày sau những vết mẩn ngứa khó chịu bắt đầu lan ra khắp cơ thể, bắt đầu trên mặt và cổ và di chuyển xuống dưới. Phát ban thường kéo dài trong ba đến năm ngày và sau đó biến mất. Đồng thời, cơn sốt tăng mạnh, thường cao tới 40 đến 41 độ C.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi?

Trong những trường hợp không biến chứng, những người mắc bệnh sởi bắt đầu hồi phục ngay khi phát ban xuất hiện và cảm thấy bình thường trở lại sau khoảng hai đến ba tuần.

Nhưng có tới 40% bệnh nhân bị biến chứng do vi rút sởi. Những điều này thường xảy ra ở trẻ nhỏ (trẻ em dưới 5 tuổi), ở người lớn trên 20 tuổi và ở bất kỳ ai khác nếu suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch. Trẻ em dưới 5 tuổi có xác suất tử vong cao nhất. Một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh sởi có thể gây ra như:

  • Viêm tai giữa cấp
  • Viêm phổi nặng, có thể dẫn đến tử vong
  • Viêm não
  • Tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.
  • Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa, một biến chứng rất nguy hiểm của sởi.
  • Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
  • Phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân.

Tại Việt Nam, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi rải rác, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn. Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp và những đô thị có dân số di biến động lớn nên có nguy cơ cao bùng phát dịch. Cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản nhất là tiêm vắc xin sớm, đầy đủ và đúng lịch. Do vậy, cha mẹ cần đưa con đi chích ngừa sởi càng sớm càng tốt để bảo vệ trẻ cũng như góp phần bảo vệ cộng đồng.

Bên cạnh tiêm vaccine đầy đủ, phụ huynh cần lưu ý giúp trẻ vệ sinh cá nhân, môi trường sống thật sạch sẽ. Trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, làm sạch mũi, họng với dung dịch chuyên dụng hoặc nước muối sinh lý. Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra đường hoặc đến nơi công cộng, không nên cho trẻ tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh. Khi trẻ có các biểu hiện như ho, sốt, sổ mũi, có nốt phát ban đỏ…, cần đến cơ sở y tế gần nhất.

 

Bài viết liên quan

Gọi miễn phí
Gọi miễn phí