NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH GOUT - 'CĂN BỆNH NHÀ GIÀU'
Nguyên nhân gây ra bệnh gout?
Bệnh gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, sau đó sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân. Với người bị bệnh gout, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, các tinh thể axit uric được hình thành và tập trung ở khớp. Các tinh thể này kích hoạt cơn đau dữ dội, cấp tính và cuối cùng phá hủy các khớp.
Khác với các bệnh viêm khớp khác thường bị nhiều khớp cùng lúc, cơn gout cấp thường chỉ tái phát mỗi lần một khớp. Và thường xảy ra nhiều nhất ở ngón chân cái và có tính lặp đi lặp lại, và xảy ra ở nam nhiều hơn nữ.
Nguyên nhân gây bệnh gout được chia làm 2 nhóm, trong đó nguyên nhân gây bệnh gout nguyên phát thường ảnh hưởng bởi chế độ ăn giàu purin như: ăn nhiều đạm (thịt đỏ), hải sản…Thống kê cho thấy, gout nguyên phát có 95% các trường hợp xảy ra ở nam giới, độ tuổi thường gặp là 30-60 tuổi. Do vậy, trước đây bệnh này còn được gọi là bệnh của nhà giàu, quý tộc.
Nguyên nhân gây gout thứ phát bao gồm nguyên nhân di truyền (do tăng sản xuất acid uric hoặc giảm đào thải acid uric hoặc cả hai), người bị bệnh thận (suy thận, sỏi thận), bệnh về tủy xương, suy giáp là các đối tượng có nguy cơ cao bị gout. Người béo phì, uống nhiều rượu bia, thức uống có ga chứa đường fructose (đường HFCS), người đang hóa trị ung thư, dùng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế tế bào để điều trị các bệnh ác tính, aspirin liều thấp, thuốc chống lao (ethambutol, pyrazinamid)… cũng có khả năng mắc gout.
Biểu hiện, phân loại và những biến chứng nguy hiểm của bệnh gout?
Bệnh gout diễn tiến qua 2 giai đoạn với những biểu hiện và mức độ nguy hiểm khác nhau
Cơn gout cấp:
Đầu tiên, nồng độ acid uric trong máu tăng cao, là tiền đề của bệnh gout (không phải tất cả bệnh nhân có acid uric máu cao đều mắc gout). Khi nồng độ vượt ngưỡng (khoảng hơn 9 mg/dL), các cơn viêm khớp gout cấp khởi phát do acid uric kết tinh thành các tinh thể ở khớp, thường ở khớp bàn- ngón chân cái (60-70%) vào ban đêm làm khớp ngón sưng to, đỏ, phù nề, căng nóng và đau nhức cực độ. Khớp đau nhiều hơn khi đụng vào, vùng da quanh khớp nóng hơn bình thường. Lúc đầu thường chỉ viêm một khớp, sau đó có thể viêm ra nhiều khớp.
Cơn gout cấp kéo dài nhiều ngày, thường từ 5-7 ngày. Sau đó, khớp trở lại hoàn toàn bình thường, làm bệnh nhân chủ quan là bệnh đã hết, nhưng bệnh sẽ tái phát với khoảng cách giữa các lần viêm cấp ngày càng rút ngắn lại nếu nồng độ acid uric trong máu không được kiểm soát tốt. Giữa lần viêm thứ nhất và thứ hai có thể cách nhau vài tháng đến vài năm, nhưng về sau có thể xảy ra liên tiếp không khi nào dứt cơn, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn viêm khớp gout mạn.
Giai đoạn gout mạn:
Biểu hiện thường gặp ở bệnh gout giai đoạn mạn tính bao gồm:
- Xuất hiện các hạt tô phi (khối tinh thể urat) ở quanh khớp, sụn vành tai, khuỷu tay, ngón chân cái, gót chân, mu bàn chân, gân Achille với kích thước từ vài mm đến vài cm chứa tinh thể acid uric. Đặc điểm các hạt tôphi xuất hiện chậm, hàng chục năm sau cơn gout đầu tiên nhưng có khi sớm hơn. Khi đã xuất hiện thì dễ tăng số lượng, khối lượng và có thể gây loét.
- Xuất hiện tổn thương khớp, khớp bị cứng, đau khi vận động và làm hạn chế vận động. Khớp có thể sưng to vừa phải, không đối xứng, cũng có thể có tôphi kèm theo.
Bệnh gout không đơn thuần chỉ là tình trạng viêm khớp gây đau đớn và ảnh hưởng đến chức năng vận động, nếu nặng sẽ có thể gây tàn phế. Một số trường hợp gout lâu năm, các cục u (hạt tophi) quá to sẽ làm bệnh nhân mặc cảm, cản trở hoạt động của khớp và có thể vỡ gây nguy cơ nhiễm khuẩn cao, dẫn đến viêm khớp nhiễm khuẩn. Khi nồng độ acid uric máu tăng cao, nó không chỉ kết tinh và lắng đọng ở khớp mà còn có thể lắng đọng ở thận gây sỏi thận, viêm thận kẽ và suy thận. Một số nghiên cứu cho thấy nếu nồng độ acid uric trong máu tăng cao kéo dài sẽ làm tăng gấp nhiều lần nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh gan và thận và đều là những biến chứng rất nguy hiểm.
Mỗi người đều có nguy cơ mắc bệnh gout nếu không có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp.
Cách phòng tránh và giảm thiểu biến chứng của gout?
Để phòng tránh và giảm thiểu biến chứng của gout, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, rượu bia và đồ uống có đường. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây và các sản phẩm từ sữa ít béo để giúp cơ thể loại bỏ axit uric hiệu quả hơn.
- Uống đủ nước: Nước giúp loại bỏ axit uric khỏi cơ thể, giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ của gout. Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ bùng phát các đợt gout cấp tính.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn cải thiện chức năng khớp và sức khỏe tim mạch.
- Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn: Tuân thủ đúng liệu trình điều trị và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát nồng độ axit uric trong máu.
- Theo dõi sức khỏe định kỳ: Định kỳ kiểm tra mức axit uric trong máu và chức năng thận, đồng thời theo dõi các triệu chứng của bệnh tim mạch để có biện pháp điều trị kịp thời.