5 DẤU HIỆU TRẺ CẦN ĐI KHÁM MẮT

Chia sẻ bài viết

Các nghiên cứu cho thấy, 80% kiến thức được tiếp thu qua thị giác nên việc trẻ có thị lực tốt là điều kiện tiên quyết để học tập hiệu quả. Nếu các vấn đề về thị lực ở trẻ em không được điều trị kịp thời, chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thị giác, cũng như sức khỏe và tự tin của trẻ. Phụ huynh cần đưa con đi khám mắt nếu thấy có các dấu hiệu nghi ngờ sau:

Trẻ hay nheo mắt, nghiêng đầu, dí sát mắt khi nhìn vật

Một trong những biểu hiện phổ biến nhất của tật cận thị là trẻ thường xuyên dí sát mắt hay nheo mắt để nhìn rõ vật, cố nghiêng đầu để phụ thuộc vào mắt có thị lực nhìn xa tốt hơn. Phụ huynh nên chú ý quan sát và cho trẻ đi khám mắt sớm để đeo kính hoặc thay số kính phù hợp. Độ cận trên mắt của trẻ có xu hướng tăng nhanh theo quá trình phát triển tự nhiên của cơ thể. Độ cận tăng nhanh khiến trẻ khó chịu, vướng víu khi phải liên tục thay đổi tròng kính dày hơn, Càng kéo dài, việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật khúc xạ trong tương lai càng gặp khó khăn, đồng thời, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác tại mắt. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chỉ cần bị cận thị nhẹ (1 - 3 diop), trẻ đã có nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao hơn gấp 2 lần, bị bong võng mạc cao hơn gấp 3 lần so với người bình thường.

Lóa mắt, nhạy cảm với ánh sáng

Các triệu chứng như lóa mắt, nhạy cảm với ánh sáng, và nhìn thấy quầng sáng xung quanh nguồn sáng có thể là dấu hiệu của tật loạn thị. Trẻ em có thể mắc loạn thị do di truyền, chấn thương, phẫu thuật hoặc các bệnh lý về mắt dẫn đến hình dạng không đều của nhãn cầu. Tật loạn thị khiến hình ảnh trở nên biến dạng, méo mó và xuất hiện bóng mờ phía sau vật thể thực. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập và sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám mắt sớm để điều chỉnh kính với số độ loạn phù hợp.

Trẻ thường xuyên ngứa đỏ mắt, dụi mắt

Nếu trẻ đột ngột xuất hiện triệu chứng đỏ mắt, ngứa ngáy như có vật thể lạ trong mắt và thường xuyên dụi mắt, đây có thể là dấu hiệu của viêm kết mạc (đau mắt đỏ) – một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa. Viêm kết mạc có thể do ba nguyên nhân chính: virus, vi khuẩn và dị ứng. Bệnh có thể được điều trị bằng các phương pháp đơn giản, nhưng không nên tự ý mua thuốc để chữa trị tại nhà. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám mắt để nhận được sự chỉ định và hướng dẫn chăm sóc đúng cách từ bác sĩ. Điều này cũng giúp phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, như xuất huyết dưới kết mạc, giả mạc, hoặc viêm loét giác mạc.

Lạc chỗ khi đọc hoặc phải dùng ngón tay để hướng dẫn mắt

Khả năng hợp thị phản ánh mức độ hiệu quả của việc kết hợp thị lực giữa hai mắt. Nếu trẻ thường xuyên lạc chỗ khi đọc văn bản, gặp khó khăn trong việc tập trung nhìn vào một vật, hoặc cần dùng tay để chỉ hướng mắt, có thể đây là dấu hiệu cho thấy khả năng hợp thị của trẻ không tốt. Điều này cho thấy hai mắt của trẻ chưa phối hợp hiệu quả với nhau, có thể do yếu tố bẩm sinh hoặc các cơ mắt không kiểm soát tốt. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng hợp thị kém có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như nhược thị hoặc lác mắt. Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa mắt để được thăm khám và nhận phác đồ điều trị càng sớm càng tốt.

Thường xuyên chảy nước mắt không rõ nguyên nhân

Trẻ chảy nước mắt thường xuyên mà không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của bệnh tắc lệ đạo, dẫn đến tình trạng nước mắt không được dẫn lưu xuống mũi mà trào ra ngoài. Nếu không được kiểm soát kịp thời, tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như nhiễm khuẩn, viêm túi lệ, và gây đau nhức cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày. Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, bác sĩ nhãn khoa sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm sử dụng thuốc, bơm rửa và thông lệ đạo, hoặc thậm chí phẫu thuật nếu cần. 

Vậy, bố mẹ nên đưa bé đi khám mắt từ khi nào?

Thông thường khám mắt nên được duy trì mỗi năm một lần. Tuy nhiên, với mỗi độ tuổi và tình trạng sức khỏe mắt khác nhau sẽ quy định thời gian khác nhau. Theo đó, bác sĩ khuyến cáo:
- Trẻ dưới 3 tuổi: khám mắt tầm soát có thể giúp phát hiện sớm các bệnh về mắt phổ biến ở trẻ em như tật khúc xạ, bệnh lác (lé), giảm thị lực (mắt lười). Đặc biệt cần thiết với trẻ có bố mẹ cùng cận thị hoặc bố/mẹ cận trên 6 độ. Tầm soát cũng được tiến hành để loại trừ các bệnh hiếm gặp ở trẻ như đục thủy tinh thể bẩm sinh và u nguyên bào võng mạc (khối u mắt).
- Trẻ từ 3 tuổi trở lên: việc khám mắt cho trẻ cần được đảm bảo mỗi năm 1-2 lần để phát hiện sớm các tật khúc xạ. Nếu trong gia đình có người bị bệnh lý về mắt (bố, mẹ, anh, chị bị cận thị), việc khám mắt cho trẻ càng phải được quan tâm hơn. Trường hợp trẻ bị tật khúc xạ như cận, loạn thị… nên đo kính 6 tháng/ lần để lấy độ phù hợp.

Hãy chủ động chăm sóc đôi mắt quý giá của trẻ, vì một tương lai tươi sáng và thị lực sáng khỏe cho con bạn!

Ghé Hải Phương Pharmacy hoặc liên hệ Dược sĩ Hải Phương qua ZALO OA khi cần hỗ trợ thông tin về các bệnh lý liên quan đến mắt hoặc tư vấn các sản phẩm tăng cường thị lực cho các bé.

Hotline tư vấn nhanh: 024.6261.0246

 

 

 

Bài viết liên quan

Gọi miễn phí
Gọi miễn phí