NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH BẠCH HẦU

Chia sẻ bài viết

Tác nhân gây bệnh?

- Tên: bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Vi khuẩn bạch hầu có 3 týp là Gravis, Mitis và Intermedius.

- Hình thái: Corynebacterium diphtheriae là trực khuẩn hình que hơi phình một đầu hình chùy, Gram dương, hiếu khí, không sinh nha bào, không có vỏ, không di động. 

- Khả năng tồn tại:

+ Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống có thể sống đến 20 ngày. 
+ Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuyếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 580C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút. 

- Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu bằng ngoại độc tố (exotoxin) dẫn đến phù nề, sau đó hoại tử và loét niêm mạc, tạo ra các giả mạc bám chặt vào niêm mạc.

Cách thức lây bệnh?

Nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Thời gian ủ bệnh: Từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. 

Thời kỳ lây truyền: Thường không cố định. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần.

Biểu hiện của bệnh?

Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là Bạch hầu họng. Ngoài ra, các vị trí khác có thể nhiễm bệnh như bạch hầu da, bạch hầu mắt…

Với thể bạch hầu họng, sau thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng như sốt nhẹ 37,5-38oC, đau họng, khó chịu, sổ mũi có thể lẫn máu; khám họng có thể thấy họng hơi đỏ, amydan có điểm trắng mờ; sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau. Sau khoảng 3 ngày, bệnh bước vào giai đoạn toàn phát với các triệu chứng điển hình nhất: sốt tăng 38-38,5oC, nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ; khám họng thấy giả mạc lan tràn ở một bên hoặc 2 bên amydan, có thể lan trùm cả lưỡi gà và màn hầu; hạch vùng cổ sưng đau, phù nề, khi có dấu hiệu cổ bạnh (bull neck) là dấu hiệu nặng. Giả mạc lan rộng có thể gây thở rít, tắc nghẽn đường thở và suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, giả mạc hết nhanh (1-3 ngày), bệnh nhân hết sốt và hồi phục dần sau 2-3 tuần.

Các biến chứng của bệnh là gì?

Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gọi là bạch hầu ác tính, nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng thường gặp nhất là biến chứng tim (thường là viêm cơ tim và rối loạn dẫn truyền trong tim) và thần kinh (gây liệt). Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…

Phòng bệnh bằng cách nào?

Bạch hầu một bệnh cấp cứu nên cần khai báo và nhập viện ngay để điều trị và cách ly càng sớm càng tốt.

Cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  • Tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm phòng lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi, 3 lần cách nhau 30 ngày. Tiêm nhắc lại lúc trẻ 18-24 tháng tuổi, 4-6 tuổi và sau mỗi 10 năm.
  • Vệ sinh phòng bệnh:
    + Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
    + Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn bạch hầu.
  • Giữ vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; vệ sinh mũi, họng hàng ngày
  • Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế

Bài viết liên quan

Gọi miễn phí
Gọi miễn phí