NHỮNG THÓI QUEN DỄ GÂY SUY THẬN
Suy thận là gì?
Suy thận là tình trạng chức năng thận bị suy giảm, mất đi khả năng lọc các chất thải từ máu. Suy thận được chia thành hai loại chính:
- Suy thận mạn: Tình trạng bệnh diễn ra trong thời gian dài, không thể phục hồi chức năng thận mà chỉ tập trung kiểm soát bệnh.
- Suy thận cấp: Chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chức năng thận có thể phục hồi nếu được điều trị kịp thời.
Triệu chứng của bệnh suy thận
Bệnh suy thận ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện, đến khi các dấu hiệu bệnh xuất hiện rõ ràng cũng là lúc bệnh đã trở nặng. Sau đây là một số triệu chứng phổ biến của suy thận:
- Mệt mỏi, tinh thần uể oải, khó tập trung.
- Mất ngủ, khó ngủ, khi ngủ ngáy to và kéo dài
- Da khô ráp, có cảm giác ngứa ngáy.
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt là vào ban đêm
- Nước tiểu có các dấu hiệu bất thường như: có màu sẫm, có bọt, tiểu ra máu…
- Bọng mắt sưng to không rõ nguyên nhân.
- Bàn chân, mắt cá chân sưng phù.
- Chán ăn, sút cân.
Các triệu chứng trên dễ bị nhầm lẫn sang bệnh lý khác. Vì vậy, khi thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường, nên đi khám ở các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Những thói quen dễ gây suy thận
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy thận, trong đó có một số nguyên nhân đến từ chính những thói quen hàng ngày mà chúng ta không hề hay biết. Hãy cùng Hải Phương Pharmacy “điểm danh” những thói quen có thể làm tổn thương thận, suy thận mọi người cần lưu ý:
Ăn mặn
Chế độ ăn nhiều natri làm tăng huyết áp, làm rối loạn chức năng lọc máu ở thận. Sự gia tăng áp lực của máu khi chảy qua các mạch máu trong cầu thận có thể làm hỏng các mạch nhỏ trong nephron - các đơn vị cấu trúc của thận theo thời gian và là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Theo khuyến nghị của WHO, mỗi người chỉ nên sử dụng dưới 5 g muối một ngày.
Ăn nhiều đồ ngọt và uống nước ngọt có ga
Ăn nhiều ngọt có thể làm tăng huyết áp và gây bệnh tiểu đường, đây là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới suy giảm chức năng thận. Do các tế bào trong cơ thể không thể sử dụng hết lượng đường (glucose) trong máu, lượng đường máu cao dẫn tới hỏng các mạch máu trong thận cũng như các cơ quan khác. Tình trạng này kéo dài có thể gây suy giảm chức năng thận. Ngoài ra, các loại nước ngọt thường có độ pH cao, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để điều chỉnh độ pH của cơ thể. Vì vậy, việc uống nước ngọt thường xuyên có thể gây ra suy thận.
Chế độ ăn uống dư thừa đạm
Nhiều người có sở thích ăn nhiều thịt ít rau. Đây là thói quen ăn uống không hề lành mạnh vì khi cơ thể bị dư thừa đạm thì thận sẽ phải hoạt động nhiều hơn, về lâu dài chức năng của thận sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Không uống đủ nước
Cung cấp đủ nước giúp thận loại bỏ natri và chất độc ra khỏi cơ thể, hạn chế sỏi thận gây đau đớn. Người trưởng thành khỏe mạnh cần khoảng 2L nước mỗi ngày để cơ thể hoạt động trơn tru. Khi cơ thể bị thiếu nước, hoạt động của hệ tiết niệu sẽ bị đình trệ, nước tiểu bị tích trữ trong bàng quang lâu hơn, các chất độc, cặn thải trong nước tiểu sẽ lắng xuống thận gây sỏi thận. Quá trình này nếu diễn ra lâu ngày sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thận, gây suy thận.
Thói quen nhịn đi tiểu
Do cuộc sống bận rộn và những lý do khác, 1 số người thường xuyên nhịn tiểu quá lâu. Việc thường xuyên nhịn tiểu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thận, gây áp lực lên thận, lâu dài sẽ tạo thành sỏi thận, suy thận và đi tiểu không kiểm soát, theo thời gian sẽ làm tổn thương thận.
Lạm dụng thuốc
Nhiều người vẫn có thói quen tự mua và dùng thuốc tại nhà không theo đơn thuốc của bác sĩ. Đây là một thói quen rất xấu vì một số loại thuốc khi dùng dài ngày với liều cao, nhất là các loại thuốc giảm đau cũng có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận. Việc hấp thụ và xử lý quá nhiều hóa chất biệt dược, có hoạt tính sinh học cao chứa trong thuốc, khiến thận bị "quá tải", dễ dẫn đến ngộ độc. Tình trạng nhiễm độc thận do lạm dụng thuốc là một hiện tượng tương đối phổ biến. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ca tổn thương thận cấp tính và bệnh thận mạn tính mỗi năm trên toàn thế giới.
Nguyên tắc phòng tránh bệnh thận
Suy thận ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện vì triệu chứng suy thận giai đoạn nhẹ thường kín đáo, không rõ ràng. Ở giai đoạn này bệnh nhân vẫn lao động sinh hoạt bình thường cho nên thường bỏ qua những triệu chứng của bệnh. Những tổn thương hoặc suy giảm chức năng thận có thể diễn ra trong thời gian dài mà không được chú ý tới. Vì thế các bệnh về thận thường được gọi là "căn bệnh thầm lặng" và việc chăm sóc bảo vệ thận lại càng trở nên quan trọng hơn trước khi quá muộn. Dưới đây là những nguyên tắc phòng tránh bệnh thận:
1. Tập thể dục thể thao đều đặn và phù hợp với lứa tuổi: Hãy“vận động cho khỏe thận”, tham gia bất kỳ hoạt động thể chất ưa thích như đi bộ, chạy,đạp xe đạp... để duy trì sự năng động của cơ thể, giúp phòng tránh bệnh tật nói chung và bệnh thận nói riêng.
2. Ăn uống lành mạnh và giữ trọng lượng cơ thể hợp lý. Giảm lượng muối ăn hằng ngày, đồng thời hạn chế các loại đồ hộp, các thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích, khô, mắm…, bớt chất bột đường, đạm và ăn nhiều rau, trái cây giúp duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng, phòng các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim và các bệnh liên quan đến thận.
3. Kiểm soát lượng đường trong máu: Khoảng 50% người bệnh không biết mình mắc bệnh đái tháo đường nếu không xét nghiệm hoặc khi xảy ra biến chứng. Khoảng 50% người bệnh đái tháo đường sẽ bị tổn thương thận, nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến suy thận và thậm chí là suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên điều này có thể được ngăn chặn hay hạn chế nếu bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt.
4. Kiểm soát huyết áp. Khoảng 50% người bệnh có huyết áp rất cao mà không hề có triệu chứng, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận. Vì thế, cần kiểm tra huyết áp trong chương trình khám sức khỏe hằng năm. Tăng huyết áp nếu đi kèm đái tháo đường, rối loạn lipid máu sẽ làm tổn thương thận nặng hơn hoặc người bệnh dễ mắc các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
5. Uống đủ nước: Thông thường, một người khỏe mạnh cần khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Khi tập thể dục, hoạt động gắng sức, đổ mồ hôi nhiều, bị nôn mửa, tiêu chảy cần phải uống nhiều hơn lượng nước bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn mắc bệnh thận, tim, gan cần hỏi bác sĩ lượng nước tối đa có thể uống mỗi ngày để tránh tình trạng sưng phù, khó thở…
6. Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm chậm lưu lượng máu đến thận. Khi lượng máu đến thận ít hơn, nó có thể làm giảm khả năng hoạt động bình thường của thận. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ ung thư thận khoảng 50%.
7. Không tự sử dụng thuốc chống viêm/giảm đau mà phải theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng các thuốc kháng viêm, giảm đau, các thuốc không rõ nguồn gốc. Các thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid nếu dùng lâu dài có thể ảnh hưởng chức năng thận, thậm chí có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Những loại thuốc không rõ nguồn gốc, kể cả cây cỏ, thực phẩm chức năng cũng cần chuyển hóa và đào thải qua thận. Vì vậy, trước khi dùng bất cứ loại sản phẩm nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
8. Kiểm tra chức năng thận nếu có một hoặc nhiều yếu tố “nguy cơ cao” như: có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh thận.../
Trên đây là những thói quen dễ gây suy thận hiệu quả và một số cách giúp phòng ngừa bệnh thận. Cần tư vấn các thông tin thêm vui lòng liên hệ dược sĩ nhà thuốc. Nếu thấy hay và hữu ích hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè ngay nhé!