NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN BIẾT VỀ BỆNH VIÊM TIỂU PHẾ QUẢN Ở TRẺ EM
Bệnh viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em, gây nhiễm trùng phổi do virus. Bệnh thường khiến trẻ thở khò khè, khó thở, ho, và có thể kèm theo rối loạn ăn uống.
Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản?
Viêm tiểu phế quản ở trẻ em thường do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do virus, đặc biệt là virus hợp bào hô hấp (RSV), là tác nhân chủ yếu gây ra bệnh lý này. Bên cạnh đó, các virus gây cảm lạnh thông thường như cũng có thể là nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản. Các virus này rất dễ lây lan, ảnh hưởng cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đối với người trưởng thành, chúng chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ như sốt hoặc ho. Ngược lại, đối với trẻ em dưới 2 tuổi hoặc những trẻ có hệ miễn dịch yếu, nhiễm virus này có thể dẫn đến viêm tiểu phế quản, gây khó thở và các vấn đề hô hấp nghiêm trọng. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý đến các loại virus cúm, á cúm (loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ và sơ sinh), cùng với Adenovirus, vì đây cũng là những tác nhân gây viêm tiểu phế quản ở khoảng 35% trẻ em. Những trẻ có nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản cao như:
- Trẻ sống trong vùng có dịch cúm hoặc viêm đường hô hấp trên.
- Trẻ không được bú đầy đủ sữa mẹ hoặc nhạy cảm với thời tiết.
- Trẻ có tiền sử viêm mũi họng, viêm amidan, viêm VA…
- Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi bẩm sinh.
- Trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá.
Viêm tiểu phế quản có lây không?
Viêm tiểu phế quản là bệnh có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có thể lây qua các giọt nước bắn ra khi ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào cơ thể khi tay tiếp xúc với miệng hoặc mũi sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh.
Đối tượng dễ mắc bệnh?
- Trẻ em dưới hai tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh, đặc biệt là các trẻ dưới sáu tháng tuổi.
- Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc những trẻ đi nhà trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Viêm tiểu phế quản cũng thường xảy ra vào tháng 11 đến khoảng tháng 4 hàng năm (mùa đông và mùa xuân), đỉnh điểm là tháng 1 và tháng 2.
Triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản?
Triệu chứng ban đầu của viêm tiểu phế quản thường giống cảm lạnh, bao gồm: nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho nhẹ và sốt nhẹ trong vòng 1-2 ngày. Sau đó, các triệu chứng sẽ trở nên nặng hơn và biểu hiện rõ ràng hơn, như:
- Trẻ ho nhiều, thở nhanh và thở khò khè.
- Cổ và ngực của trẻ có thể co kéo theo nhịp thở.
- Trẻ có thể bị sốt từ 4-5 ngày.
- Trẻ gặp khó khăn trong việc thở và có thể bị mệt mỏi hoặc thiếu nước.
- Trẻ có thể bị nôn mửa, ho kèm theo tiêu chảy (phân lỏng, đi cầu nhiều hơn bình thường).
Cha mẹ cần làm gì khi bé mắc viêm tiểu phế quản?
- Dùng bơm hút mũi để làm thông thoáng lỗ mũi cho trẻ. Nếu cần, nhỏ một đến hai giọt nước muối vào mỗi bên lỗ mũi.
- Ẵm trẻ ở tư thế đứng hoặc ngồi nhiều hơn để giúp trẻ dễ thở hơn.
- Nếu trẻ bị nghẹt mũi, hãy hút dịch mũi trước khi cho trẻ ăn.
- Trẻ có thể bú ít hơn bình thường, vì vậy hãy chia thành nhiều lần bú với lượng ít.
- Bổ sung chất lỏng cho trẻ nhiều hơn bình thường để tránh mất nước.
- Trong khi bú, trẻ có thể cần nghỉ ngơi nhiều lần.
- Nâng cao đầu giường của trẻ để giúp trẻ thở dễ dàng hơn.
- Tuyệt đối không hút thuốc xung quanh trẻ khi trẻ bị viêm tiểu phế quản.
Khi nào cần hỗ trợ y tế?
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, cha mẹ cần chú ý đến cách thở và các dấu hiệu bất thường. Hãy liên hệ với bác sĩ nhận thấy con bạn có các triệu chứng sau:
- Trẻ thở ngắn và khó khăn sau khi ho.
- Trẻ không uống hoặc bú đủ.
- Trẻ ngủ nhiều hơn bình thường hoặc dễ ngủ khi đang ăn.
- Trẻ quấy khóc nhiều, không thể ngủ hoặc rất khó giữ bình tĩnh.
- Trẻ bị sốt cao không giảm.
- Trẻ không đi tiểu trong vòng 6-8 giờ hoặc có biểu hiện khô miệng, khô môi.
- Trẻ có thóp lõm, biểu hiện dấu hiệu suy hô hấp.
Trường hợp khẩn cấp?
Cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức nếu:
- Trẻ thở rất khó khăn hoặc thở quá nhanh.
- Trẻ thở khò khè hoặc ngủ li bì, không tỉnh táo.
- Cơ bụng và xương sườn của trẻ co kéo mạnh khi thở, kèm phập phồng cánh mũi.
- Da trẻ xanh xao, nhợt nhạt hoặc môi trẻ chuyển màu tím tái.
- Trẻ có cảm giác tức ngực khi thở.
Để bảo vệ các con, cha mẹ hãy luôn theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ và liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Ngăn ngừa bệnh viêm tiểu phế quản?
- Cho trẻ bú sữa mẹ. Sữa mẹ giúp trẻ có sức đề kháng, và giúp ngăn ngừa được bệnh viêm tiểu phế quản.
- Tránh tiếp xúc với những người nhiễm bệnh.
- Rửa sạch tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
- Không được hút thuốc xung quanh trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản.
- Vệ sinh đồ chơi và những vật dụng của trẻ thường xuyên
Hãy lưu ý không cho trẻ uống bất cứ loại thuốc nào nếu không có chỉ định của bác sĩ!