NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM MÙA XUÂN

Chia sẻ bài viết

Cúm mùa

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Tại Việt Nam, bệnh cúm lưu hành quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh vào mùa Đông và mùa Xuân, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh và độ ẩm không khí thấp. Đỉnh điểm của dịch cúm có thể rơi vào các tháng 3-4 hoặc tháng 9-10 mỗi năm.

Cúm có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, nhưng trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, trẻ có hệ miễn dịch yếu, trẻ mắc các bệnh nền như bệnh tim mạch, huyết áp, COPD, bệnh thận, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa, hen suyễn, và trẻ chưa được tiêm đủ vaccine cúm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bệnh cúm ở những trẻ này có thể diễn biến nghiêm trọng hơn và để lại di chứng lâu dài, như tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp, bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác trong tương lai.

Cúm mùa ở trẻ em có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi ở trẻ dưới 14 tuổi lên đến 8 lần, gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm não cấp và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Bệnh sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lây lan qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện, khiến các dịch tiết từ mũi họng phát tán vào không khí và có thể xâm nhập vào cơ thể người khỏe mạnh. Sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy và nhiều vấn đề khác.

Bệnh sởi thường có xu hướng bùng phát vào mùa xuân do thời tiết thay đổi đột ngột, với sự biến động về nhiệt độ và độ ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh sởi phát triển và lây lan. Mùa xuân cũng là thời điểm các dịch bệnh có khả năng lây truyền nhanh chóng, nhất là qua không khí, do người dân dễ bị cảm lạnh, giảm sức đề kháng trong thời gian chuyển mùa. Đây là lý do tại sao bệnh sởi thường gia tăng vào thời điểm này, đặc biệt là ở trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và những người chưa được tiêm phòng đầy đủ. 

Thời gian ủ bệnh của sởi từ 7 đến 21 ngày, sau đó trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đặc trưng như: sốt cao trên 39°C, viêm đường hô hấp trên với triệu chứng chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng. Ngoài ra, trong miệng của trẻ có thể xuất hiện hạt Koplik, một dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi. Trẻ cũng có thể bị chảy nước mắt, viêm kết mạc, mắt có ghèn và sưng mí mắt. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ phát ban theo một trình tự nhất định. Vào ngày đầu tiên, ban xuất hiện trên vùng đầu, mặt và cổ. Đến ngày thứ hai, ban lan ra ngực, lưng và cánh tay. Vào ngày thứ ba, ban tiếp tục xuất hiện ở bụng, mông, đùi và chân. Khi ban đã lan đến chân, sốt sẽ giảm và dần biến mất.

Bệnh thuỷ đậu

Bệnh thủy đậu, do virus Varicella Zoster gây ra, thường bùng phát mạnh vào mùa xuân, đặc biệt là ở trẻ em. Virus lây lan chủ yếu qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch từ nốt rạ của người bệnh. Mùa xuân với sự thay đổi thời tiết và độ ẩm là thời điểm thuận lợi cho bệnh phát tán nhanh chóng.

Triệu chứng ban đầu của bệnh bao gồm sốt, đau đầu và cơ thể mệt mỏi, sau đó xuất hiện các nốt rạ nhỏ, nhanh chóng biến thành mụn nước. Các nốt này có thể mọc rải rác trên cơ thể và sẽ khô lại thành vảy sau 4-5 ngày.

Mặc dù thủy đậu thường là bệnh nhẹ và tự khỏi, nhưng nó có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, và viêm gan.

Bệnh quai bị

Bệnh quai bị, do virus gây ra, chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là nhóm trẻ từ 6 đến 10 tuổi. Bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp khi nước bọt của người nhiễm bệnh phát tán trong không khí khi ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện.

Trước khi phát bệnh, trẻ thường cảm thấy khó chịu trong người. Sau 1-2 ngày, bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao 38-39°C kéo dài 3-4 ngày, mệt mỏi, ăn ngủ kém, đau tai, đau đầu, và cảm giác ớn lạnh. Sau khoảng 24-28 giờ, triệu chứng viêm tuyến mang tai xuất hiện, khiến trẻ sưng cả hai bên mang tai, kèm theo đau khi há miệng, nhai, nuốt, và sưng hạch góc hàm.

Mặc dù bệnh thường lành tính và tự khỏi trong 1-2 tuần, nhưng đôi khi có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Cách phòng ngừa

Để phòng tránh các bệnh mùa xuân và bảo vệ sức khỏe, sự phát triển toàn diện của trẻ, các bậc phụ huynh cần thực hiện các biện pháp giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, đồng thời giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ gây bệnh qua các cách sau:

  • Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo đúng lịch trình tiêm chủng Quốc gia, bao gồm các loại vaccine phòng bệnh như sởi, cúm, não mô cầu, phế cầu, và các bệnh truyền nhiễm khác.

  • Cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ: đảm bảo trẻ uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây và đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đủ vitamin và khoáng chất.

  • Giữ ấm cơ thể trẻ, đặc biệt chú ý đến các bộ phận dễ bị lạnh như đầu, cổ, tay và chân.

  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ: rửa tay sạch sẽ, tắm cho trẻ bằng nước ấm ở nơi kín gió, lau khô cơ thể và tai sau khi tắm.

  • Giữ nhà cửa sạch sẽ và thoáng mát, tránh ẩm thấp.

  • Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như ho, sốt, khò khè, chảy dịch mũi hay mủ tai, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Bài viết liên quan

Gọi miễn phí
Gọi miễn phí