GIAO MÙA, CẨN TRỌNG VỚI CÁC BỆNH LÝ HÔ HẤP!

Chia sẻ bài viết

Vì sao các bệnh lý hô hấp thường gia tăng khi giao mùa?

Vào thời điểm giao mùa, sự thay đổi đột ngột về thời tiết và độ ẩm không khí tạo điều kiện thuận lợi cho virus và vi khuẩn phát triển. Khi cơ thể không kịp thích ứng với những biến đổi này, các bệnh lý hô hấp như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản và viêm phổi có nguy cơ xảy ra cao hơn. Đặc biệt, các bệnh mạn tính như hen phế quản, giãn phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể tái phát và trở nặng. Trẻ em và người cao tuổi là những đối tượng cần đặc biệt lưu ý.

  • Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi thường có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, do đó dễ bị nhiễm bệnh khi giao mùa. Các triệu chứng bệnh có thể diễn biến nhanh và nghiêm trọng, dẫn đến biến chứng như suy hô hấp cấp, viêm phổi, và tràng khí. Cha mẹ nên theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường. Tiêm chủng đầy đủ là một cách hiệu quả để phòng ngừa bệnh.
  • Người cao tuổi: Người cao tuổi sức đề kháng kém và hệ miễn dịch thường suy yếu, cùng với các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, và tim mạch, làm tăng nguy cơ xuất hiện hoặc tái phát các bệnh lý hô hấp. Ngoài ra, môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, khói của bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật chội, không thông thoáng, ô nhiễm môi trường… cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho người cao tuổi dễ mắc các bệnh đường hô hấp hơn. 

Tuy nhiên, ai cũng có thể mắc các bệnh đường hô hấp, nhất là trong thời điểm giao mùa. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa và theo dõi sức khỏe trong mùa giao mùa là rất quan trọng để bảo vệ hệ hô hấp và phòng tránh những biến chứng nghiêm trọng.

Một số bệnh hô hấp thường gặp khi thời tiết giao mùa?

  • Cảm cúmĐây là chứng bệnh phổ biến nhất mà hầu như ai cũng có thể mắc phải trong thời điểm này. Thời tiết thay đổi, nóng lạnh đan xen, nắng mưa thất thường liên tục, kèm theo miễn dịch cơ thể không kịp thích nghi với môi trường khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Cảm cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với các biểu hiện:
    • Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho, triệu chứng ho thường nặng và kéo dài.

    • Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhất là ở trẻ em.

    • Thời gian ủ bệnh: Thường từ 1 tới 4 ngày, bệnh có thể bắt đầu trước sốt 1 ngày và kéo dài tới 7 ngày ở người lớn, thậm có thể là nhiều tháng nếu người bị suy giảm miễn dịch mắc bệnh. 

  • Viêm xoang: là một bệnh lý nhiễm trùng nên thường có những dấu hiệu như đau nhức, sốt, chảy dịch, nghẹt mũi hay điếc mũi. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh rất khó khăn vì những dấu hiệu đặc trưng của bệnh không rõ ràng, nhất là ở giai đoạn đầu. Những dấu hiệu đặc trưng chỉ xuất hiện khi bệnh đã vào giai đoạn nặng. Những người mắc bệnh xoang thường có cảm giác phiền toái và rất khó chịu bởi liên tục hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau tai. Mặc dù căn bệnh này không gây nguy hiểm nhưng khó chữa được dứt điểm nên sẽ gây nhiều bất tiện cho người bệnh. 
  • Viêm thanh quản:  là bệnh phổ biến ở nhiều đối tượng, cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, viêm thanh quản có thể gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Khi bị viêm thanh quản, người bệnh lúc đầu thường có biểu hiện: nuốt vướng nhẹ, nói khó, khó cất giọng cao hoặc khó hát. Sau đó, bệnh nhân thấy tiếng khàn dần rồi dần dần mất tiếng. Có thể kèm theo ho có ít đờm vào buổi sáng. Có cảm giác ngứa, cay hoặc rát nhẹ vùng thanh quản.
  • Các bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản: Thời tiết thu đông thường hanh khô khiến hệ hô hấp, đặc biệt là phổi có thể bị ảnh hưởng. Người bệnh bị viêm đường hô hấp dưới thường có các triệu chứng như nghẹt mũi, sốt, đau tức ngực, ho khan, ho có đờm, ho ra máu, đờm màu trắng đục, thậm chí màu vàng xanh hoặc đỏ.

  • Bệnh hen suyễn:  thời điểm chuyển mùa từ mùa thu sang mùa đông là thời điểm tồi tệ nhất đối với người mắc bệnh hen suyễn do phải tiếp xúc với nhiều loại virus bệnh đường hô hấp.

Các biện pháp phòng bệnh hô hấp khi giao mùa?

  • Tăng cường vận động và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
  • Tiêm vắcxin cúm để giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống, tạo không gian thoáng mát, lưu thông không khí, tránh ở những nơi có độ ẩm cao, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
  • Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh hô hấp, đặc biệt trong thời điểm giao mùa.
  • Tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ đối với các bệnh mạn tính để ngăn ngừa tái phá, không tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của các chuyên gia y tế.

Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn đọc hiểu thêm về các bệnh hô hấp trong thời điểm giao mùa. Việc nắm vững các kiến thức này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường, hãy thăm khám bác sĩ kịp thời để được tư vấn và điều trị phù hợp. Đừng quên thực hiện các biện pháp phòng ngừa và duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe trong những giai đoạn nhạy cảm này. 

Cần tư vấn thêm thông tin về các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, liên hệ ngay Hải Phương Pharmacy các chi nhánh hoặc gọi HOTLINE: 024.6261.0246.

Bài viết liên quan

Gọi miễn phí
Gọi miễn phí