CHẢY MÁU CAM Ở TRẺ & NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Chảy máu cam hay chảy máu mũi ở trẻ em là tình trạng máu chảy ra từ đường mũi do các mạch máu hoặc lớp niêm mạc mũi bị tổn thương. Máu cam có thể chảy ra từ một hoặc cả hai bên hốc mũi. Thông thường, tình trạng chảy máu xuất phát từ một bên mũi. Khi máu chảy nhanh và nhiều có thể chảy qua cả bên mũi còn lại. Ngoài chảy ra phía ngoài lỗ mũi, máu có thể chảy xuống họng.
Nguyên nhân trẻ bị chảy máu cam
Chảy máu cam có thể do nguyên nhân vật lý (nguyên nhân tại chỗ) hoặc nguyên nhân bệnh lý (liên quan đến vùng tai mũi họng). Phụ huynh cần biết chính xác nguyên nhân để có cách xử trí khi trẻ bị chảy máu cam phù hợp, an toàn. Trẻ bị chảy máu cam có thể do những nguyên nhân sau :
- Do thời tiết: Khi thời tiết hanh khô, hoặc sử dụng điều hòa, máy lạnh, máy sưởi trong thời gian dài khiến mạch máu trong mũi trẻ bị vỡ, mất sự đàn hồi và nhạy cảm. Do vậy, chỉ cần có sự chà xát nhỏ như khi trẻ hắt hơi hay dụi mũi cũng có thể làm máu cam chảy.
- Dị vật ở mũi: Trẻ vô tình nhét dị vật vào mũi, ví dụ hạt cườm, cục pin...
- Do chấn thương: trẻ bị va chạm mạnh vào mũi trong quá trình vui chơi, chạy nhảy,…
- Viêm mũi: Viêm mũi thường làm cho các mạch máu, bao gồm cả động mạch và tĩnh mạch mở rộng, do đó hệ thống mạch máu trong khoang mũi của trẻ cũng có những biến đổi nhất định nên dễ dàng gây ra chảy máu mũi khi có tác động nhẹ từ bên ngoài;
- Trẻ mắc một số bệnh liên quan đến huyết học như xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, các bệnh về máu gây giảm tiểu cầu (suy tuỷ xương, lơ xê mi cấp,…).
- Các yếu tố bẩm sinh: Có một số yếu tố bẩm sinh, di truyền như cấu trúc thành mạch máu, cấu tạo vách mũi mỏng cũng khiến cho trẻ dễ bị tác động từ ngoại cảnh, gây tổn thương và chảy máu cam.
Khi trẻ bị chảy máu cam, phần nhiều phụ huynh sẽ bối rối, hoảng, lo lắng “đứng ngồi không yên”, thậm chí là mất bình tĩnh. Do đó, trong quá trình xử trí khi trẻ bị chảy máu cam có thể mắc sai lầm, khiến tình trạng thêm tồi tệ. Hãy lưu ý:
- KHÔNG cho trẻ nằm hoặc ngửa đầu ra phía sau. Điều này khiến máu chảy nhiều xuống cổ họng, làm trẻ bị ngạt và sặc máu và nôn. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây khó thở và ngộ độc máu.
- KHÔNG cầm máu cho trẻ bằng cách lấy bông, gạc, giấy thấm nhét vào mũi. Nếu bông, gạc hay giấy thấm không vô khuẩn, khi tiếp xúc với niêm mạc mũi có thể sẽ gây viêm nhiễm mũi hoặc gây nhiễm trùng.
- KHÔNG lạm dụng nước muối sinh lý. Nước muối sinh lý có thể tạo độ ẩm tức thời, giúp máu cam không chảy. Tuy nhiên nếu nhỏ muối sinh lý quá nhiều, lâu dài lại khiến mũi bị khô hơn do phụ thuộc vào nước muối sinh lý.
Cách sơ cứu đúng
Nếu biết xử trí đúng cách, phần lớn các trường hợp chảy máu mũi trước sẽ tự ngừng. Hãy thực hiện các bước sau:
- Trấn an và giúp trẻ bình tĩnh, không hoảng sợ khi thấy máu.
- Để trẻ ngồi thẳng lưng, đầu ngả về trước. Không ngả đầu trẻ ra sau bởi ngả đầu ra sau, tránh sặc hoặc ho do máu chảy xuống miệng. Nếu máu chảy xuống miệng thì không được nuốt vì sẽ khiến trẻ dễ nôn.
- Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp chặt mũi để ngăn không cho máu tiếp tục chảy, thở bằng miệng, giữ như vậy từ 5 -10 phút. Động tác này sẽ ép chặt lên điểm chảy máu ở vách ngăn mũi và thường làm máu ngừng chảy.
- Có thể chườm lạnh hay đặt khăn mát lên vùng gốc mũi và má của trẻ hoặc cho trẻ ngậm một viên đá. Điều này giúp mạch máu ở mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu. Chỉ nên áp dụng biện pháp này nếu trẻ cảm thấy thoải mái và đồng ý phối hợp.
- Cho trẻ uống nước mát để đỡ căng thẳng và loại bỏ bớt mùi máu trong miệng.
- Sau 10 phút, thả tay xem máu ngừng chảy chưa. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì nhắc lại các bước trên một lần nữa.
Lưu ý, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất nếu:
- Trẻ không cầm máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu trong vòng 20 phút.
- Chảy máu mũi tái đi tái lại nhiều lần.
- Máu chảy nhanh hoặc mất nhiều máu, trẻ choáng váng, chóng mặt.
- Chảy máu do chấn thương, ví vụ ngã hay bị đấm vào mặt.
- Máu chảy xuống phần sau họng chứ không chảy ra phần trước mũi kể cả khi trẻ đã ngồi ngả đầu về phía trước. Trường hợp chảy máu sau này luôn cần đến sự trợ giúp của bác sĩ.
- Nếu trẻ đang dùng thuốc chống đông máu.
- Trẻ có bệnh khác ảnh hưởng tới đông máu như bệnh gan, bệnh thận, bệnh hemophilia.
- Trẻ mới thực hiện hóa trị.
Hầu hết trường hợp chảy máu cam ở trẻ là lành tính, ít nguy hiểm, phụ huynh có thể áp dụng cách xử trí khi trẻ bị chảy máu cam ngay tại nhà để sơ cứu cho trẻ. Nhưng để đảm bảo an toàn thì sau khi thực hiện sơ cứu tại nhà, hãy theo dõi thêm và nếu thấy - hoặc nghi ngờ - bất thường, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.