CẢNH BÁO BỆNH RỐI LOẠN LO ÂU Ở NGƯỜI TRẺ
Rối loạn lo âu là gì?
Bình thường, trong một số tình huống nhất định, chúng ta có thể cảm thấy sợ hãi và lo lắng. Tuy nhiên, cảm giác này thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và sẽ tự biến mất sau đó. Ngược lại, rối loạn lo âu là một tình trạng bệnh lý liên quan đến cảm giác lo lắng và sợ hãi quá mức kéo dài. Các triệu chứng của rối loạn lo âu thường không tự biến mất mà có thể ngày càng trở nên nghiêm trọng theo thời gian, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động hàng ngày và mối quan hệ xã hội của người bệnh. Sự lo lắng quá mức có thể khiến người bệnh trốn tránh công việc, trường học, các cuộc họp mặt gia đình và các tình huống xã hội khác.
Chứng rối loạn lo âu được phân thành nhiều loại như:
- Rối loạn lo âu lan tỏa
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
- Ám ảnh sợ xã hội
- Rối loạn lo âu khi xa cách
Rối loạn lo âu là một dạng bệnh lý thần kinh không được chủ quan bởi nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, rối loạn tiêu hóa, suy giảm sức khỏe tim mạch,... và cần được nhận diện và xử trí đúng là cách giúp người bệnh tránh những tác động tiêu cực này.
Nguyên nhân rối loạn lo âu gia tăng ở người trẻ?
Ngoài yếu tố di truyền, các chuyên gia y tế cũng cho rằng, hiện nay, do những căng thẳng, stress, áp lực trong cuộc sống khiến con người càng dễ mắc phải chứng bệnh rối loạn lo âu, đặc biệt là ở người trẻ. Các nguyên nhân khiến rối loạn lo âu ngày càng báo động ở người trẻ có thể kể đến như:
- Ảnh hưởng từ những sự kiện, lối sống thời thơ ấu như điều kiện khó khăn, tình cảm gia đình thiếu gắn bó, thiếu an toàn, kì vọng tiêu cực ở trẻ …làm cho trẻ thường xuyên lo lắng, bất an, tự ti, … Những điều đó ảnh hưởng đến tâm thức lâu dài của trẻ, làm hạn chế việc phát triển kỹ năng nhận thức bản thân và khả năng ứng phó các tình huống khó khăn hoặc biến cố cuộc sống.
- Căng thẳng, áp lực từ cuộc sống, công việc và các mối quan hệ xã hội như nỗ lực học tập không ngừng để khẳng định giá trị bản thân, áp lực điểm số, tiền phí trang trải học tập và kỳ vọng của người thân, bất đồng, mâu thuẫn trong quan hệ giao tiếp bạn bè, người xung quanh, thầy cô giáo, và nhất là người thân trong gia đình...
- Người trẻ là đối tượng thường sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy, thuốc cỏ, bóng cười…hoặc dùng thuốc có chứa corticosteroid, cocain, amphetamin, hoặc nghiện game đều dễ bị ức chế hoặc tăng giảm các kích thích tố trong não bộ. Sự rối loạn kích thích tố não bộ này làm rối loạn chất dẫn truyền thần kinh gây ra chứng rối loạn lo âu.
- Thiếu kiến thức và kỹ năng sống: Giới trẻ có thể thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề của họ và đối mặt với các tình huống khó khăn, khẩn cấp...
Đáng lo ngại là nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, rối loạn lo âu có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe thể chất, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội và nghề nghiệp, cũng như làm tăng nguy cơ lạm dụng rượu và thuốc. Nguy hiểm hơn, nếu không được can thiệp, người bệnh có thể có suy nghĩ về cái chết và tự tử, với nguy cơ tự sát cao gấp 2,3 lần so với người bình thường.
Triệu chứng thường gặp?
Triệu chứng cơ thể của lo âu rất phong phú, bao gồm:
- Khó thở, khó chịu ở ngực hoặc bụng.
- Buồn nôn, đi ngoài, đi tiểu nhiều lần, các cơn đỏ mặt, ớn lạnh, tê bì, tê cóng
- Cảm giác kim châm yếu, căng cơ hoặc đau đớn, không đứng vững và cảm giác sắp ngất
- Rối loạn tiêu hóa, thay đổi khẩu vị, tăng hoặc sụt cân.
- Rối loạn giấc ngủ: Do căng thẳng, lo lắng kéo dài, người bệnh sẽ liên tục thấy buồn ngủ hoặc thiếu ngủ. Tình trạng này để lâu cũng tác động lại đến sức khỏe về mặt thể chất lẫn tinh thần, khiến tâm lý không ổn định
Triệu chứng hành vi:
- Sọ hãi, thu rút, né tránh, dễ cáu bẳn, bất động, thở nhanh, khó nói
- Tăng nhạy cảm, giảm tập trung chú ý, sợ mất kiểm soát hoặc hóa điên.
- Người bệnh thường suy nghĩ mọi việc theo hướng trầm trọng hóa, thảm họa hóa vấn đề…
- Trạng thái lo âu khiến người bệnh luôn căng thẳng, cáu kỉnh, cảm giác tù túng, đang bên bờ vực và không thể thư giãn. Trạng thái này có hoặc không liên quan rõ rệt với sang chấn tâm lý. Nhưng các rối loạn này không dần mất đi khi sang chấn tâm lý không còn.
Những tác động đến cơ thể?
- Hệ thần kinh trung ương: Các cơn lo lắng và hoảng sợ kéo dài có thể khiến não tiết ra các hormone căng thẳng một cách thường xuyên, dẫn đến tăng tần suất các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt và trầm cảm.
- Hệ tim mạch: Rối loạn lo âu có thể gây ra nhịp tim nhanh, đánh trống ngực và đau ngực. Người bệnh cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim. Nếu người bệnh đã bị bệnh tim, rối loạn lo âu có thể làm tăng nguy cơ biến cố mạch vành.
- Hệ bài tiết và tiêu hóa: Lo âu cũng ảnh hưởng đến hệ bài tiết và tiêu hóa của người bệnh. Người bệnh có thể bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác, bao gồm cả chán ăn.
- Hệ hô hấp: Lo âu gây ra tình trạng thở nhanh và nông, khiến người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể có nhiều nguy cơ phải nhập viện do các biến chứng liên quan đến lo âu. Lo âu cũng có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn.
- Tác động khác: Nhức đầu, căng cơ, mất ngủ, phiền muộn, tách rời xã hội
- Nếu không được thăm khám và điều trị, rối loạn lo âu lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm và nguy cơ tự sát cao.
Điều trị và phòng ngừa nguy cơ rối loạn lo âu?
- Duy trì hoạt động thể chất, phát triển thói quen tập thể dục đều đặn hằng ngày tốt cho sức khỏe thể chất và tâm thần.
- Tránh sử dụng rượu và các chất kích thích, như: Cà phê, thuốc lá, chất gây nghiện khác; quản lý stress và có các phương pháp thư giãn, như: Yoga, thiền định...
- Tạo thói quen đi ngủ và thức giấc đúng giờ, có đủ số lượng và chất lượng giấc ngủ.
- Chế độ ăn lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng và tham gia các hoạt động xã hội.
- Khi có những dấu hiệu lo âu tột độ, người bệnh không nên bỏ qua, xem nhẹ mà nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra, đánh giá mức độ và lên phác đồ điều trị phù hợp, tránh gây ra những hậu quả không đáng có.
- Tuân thủ lộ trình điều trị và tái khám thường xuyên để được đánh giá mức độ và tuỳ chỉnh thuốc theo tình trạng bệnh.
Với những chia sẻ về chứng rối loạn lo âu ở trên, hi vọng mọi người đặc biệt là các bạn trẻ cần trang bị cho mình một tinh thần thoải mái, cần trau dồi thêm kiến thức về sức khỏe để có một lối sống vui vẻ, lành mạnh.