Bệnh cúm -

Chia sẻ bài viết

Biến động về nhiệt độ, độ ẩm của thời tiết là điều kiện rất bất lợi cho hệ miễn dịch khi cơ thể không kịp thích ứng và bạn rất dễ mắc bệnh trong giai đoạn này. Đặc biệt thời tiết biến động lớn trong thời gian ngắn – một đặc trưng của tiết chuyển mùa - làm gia tăng nguy cơ bệnh ở đường hô hấp do virus, vi khuẩn gây nên.

Bệnh cảm cúm là gì ?

  • Bệnh cảm cúm là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra, có 3 type virus cúm gây bệnh ở người, tùy loại mà có dễ gây thành dịch hay không.
  • Cảm cúm lây qua đường hô hấp, trực tiếp qua giọt bắn khi bệnh nhân hắt hơi hay gián tiếp khi tiếp xúc qua tay rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.
  • Diễn tiến bệnh cúm : Thời gian ủ bệnh 1 tới 4 ngày, thời kỳ gây lây : có thể bắt đầu trước khi sốt 1 ngày, kéo dài tới 7 ngày ở người lớn thậm chí là nhiều tháng ở người bị suy giảm miễn dịch.

Cảm cúm là bệnh lây truyền có biểu hiện đa dạng, từ nhẹ đến nặng có thể gây tử vong. Đôi khi cảm cúm bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, do vậy cần phân biệt để theo dõi và điều trị bệnh phù hợp.

1. Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng là hai trong nhiều dấu hiệu của bệnh cảm cúm

Mệt mỏi quá mức hoặc đột ngột là một trong những triệu chứng cảm cúm sớm. Mệt mỏi cũng có thể là triệu chứng cảm lạnh, nhưng bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi quá mức nếu bị cảm cúm. Việc cơ thể mất sức và mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Do đó, bạn nên nghỉ ngơi một vài ngày để được tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại virus.

2. Đau nhức cơ thể và ớn lạnh

Một triệu chứng cảm cúm khác mà bạn có thể nhận thấy sớm chính là đau nhức cơ thể và ớn lạnh. Tình trạng đau nhức có thể xuất hiện ở bất kì đâu trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng đầu, lưng và chân.

Ớn lạnh thường đi cùng với đau nhức cơ thể. Cảm giác ớn lạnh có thể xuất hiện trước khi bạn bị sốt. Nếu bị ớn lạnh, bạn hãy trùm cơ thể trong chăn để tăng nhiệt độ và giảm cảm giác ớn lạnh. Bạn cũng có thể dùng một số thuốc giảm đau nhanh không kê đơn để giảm đau nhức, như paracetamol hoặc ibuprofen.

 3. Ho khan, ho dai dẳng

Dấu hiệu của cảm cúm thường khó phân biệt với các dấu hiệu bệnh cảm khác

Tình trạng ho dai dẳng có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có cảm cúm. Virus cúm có thể khiến bạn ho, kèm thở khò khè và tức ngực. Bạn có thể ho ra đờm hoặc chất nhầy, nhưng trường hợp này rất hiếm trong giai đoạn đầu của cảm cúm.

Nếu có các vấn đề về hô hấp, như hen suyễn hoặc khí phế thũng (liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay để ngăn ngừa các biến chứng. Ngoài ra, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu thấy đờm có màu. Cúm có thể dẫn đến viêm phế quản và viêm phổi.

Nếu bị ho, bạn hãy dùng thuốc ho và uống nhiều nước lọc hoặc trà không có chứa caffeine. Bạn cũng nên che miệng khi ho để tránh lây nhiễm.

 4. Đau họng

Ho do cảm cúm có thể dẫn đến đau họng. Thậm chí, một số virus cúm có thể gây sưng và đau họng mà không kèm theo ho. Trong giai đoạn đầu của bệnh, bạn có thể cảm thấy cổ họng khó chịu, kích thích và không thể nuốt đồ ăn hoặc nước như bình thường. Cơn đau họng có thể nặng hơn khi virus tiến triển.

5. Sốt,bệnh cảm cúm gây sốt :

Sốt là triệu chứng cảm cúm phổ biến ở giai đoạn đầu, nhưng không phải ai mắc cúm cũng sẽ bị sốt. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng. Nếu bị cúm, bạn có thể sốt từ 38°C trở lên.

Paracetamol và ibuprofen có thể giúp hạ sốt hiệu quả nhưng không thể diệt được virus.

6. Các vấn đề về tiêu hóa

Các triệu chứng cảm cúm sớm cũng có thể ảnh hưởng các cơ quan khác trong cơ thể. Một số chủng virus có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày hoặc nôn.

Mất nước là một biến chứng nguy hiểm của tiêu chảy và nôn mửa. Để tránh mất nước, bạn hãy uống nước lọc, nước uống thể thao bổ sung điện giải, nước ép trái cây, trà và nước ngọt không chứa caffeine.

Một số dấu hiệu cảnh báo mức độ nghiêm trọng của cảm cúm

Cúm là một bệnh tiến triển, nghĩa là các triệu chứng sẽ xấu đi trước khi chúng trở nên tốt hơn. Không phải ai cũng phản ứng giống nhau với virus cúm. Mức độ nghiêm trọng của bạn phụ thuộc vào sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, hãy gọi cấp cứu ngay nếu người bệnh gặp phải các triệu chứng:

  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Da và môi xanh
  • Mất nước nghiêm trọng
  • Chóng mặt và nhầm lẫn
  • Sốt từng đợt
  • Ho nặng hơn

Cách điều trị cảm cúm hiệu quả 

  • Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể thông qua các bữa ăn mỗi ngày 
  • Thông thường, để chữa cảm cúm, bạn chỉ cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc trị cảm giúp kháng virus, như oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza). Nếu được dùng ngay khi bạn phát hiện sớm các triệu chứng, các thuốc này có thể rút ngắn thời gian bệnh và phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

 Tuy nhiên, các thuốc kháng virus có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và nôn. Để giảm thiểu tác dụng không mong muốn của thuốc, bạn có thể dùng thuốc cùng với thức ăn.

Một số mẹo sau sẽ giúp bạn cách trị cảm cúm tại nhà: 

  • Uống nhiều nước, bao gồm nước lọc, nước ép trái cây hoặc nước canh ấm.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn. Bạn có thể ngủ để giúp hệ miễn dịch nhanh chóng phục hồi và chống lại bệnh.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa. Các thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như paracetamol hoặc ibuprofen, có thể chống lại cơn đau liên quan đến cúm. Trẻ em và thiếu niên hồi phục sau các triệu chứng giống như cúm không nên dùng aspirin vì có nguy cơ cao mắc hội chứng Reye – một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong.

Những ai dễ mắc bệnh cảm cúm?

  • Tuổi nhỏ hay cao tuổi: Dưới 5 tuổi hay trên 65 tuổi.
  • Phụ nữ đang có thai
  • Mắc bệnh mạn tính kéo dài: bệnh hô hấp như hen, COPD, bệnh tim mạch như suy tim, bệnh gan, bệnh tiểu đường...
  • Trẻ vị thành niên sử dụng aspirin kéo dài.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh cảm cúm?

  • Để phòng bệnh cúm mùa, nên tạo thói quen thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống tốt; mang khẩu trang y tế đến nơi có đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên
  • Cách phòng ngừa cảm cúm hiệu quả nhất là tiêm vaccine cúm , thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tăng cường dinh dưỡng và tập luyện thể thao...

 Những lưu ý khi tiêm vắc xin phòng bệnh cúm:

  • Lứa tuổi bắt đầu tiêm phòng bệnh cúm: Từ 06 tháng tuổi trở lên
  • Là biện pháp chính để phòng ngừa và tránh các biến chứng nặng của cảm cúm
  • Hiệu quả phòng bệnh bắt đầu khoảng 2 tới 3 tuần sau khi tiêm (khả năng bảo vệ là 50 - 80%)
  • Thời gian bảo vệ khoảng 6 tới 12 tháng sau tiêm, do vậy cần tiêm nhắc lại mỗi năm để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất.

 Những ai nên tiêm ngừa cảm cúm?

  • Phụ nữ đang mang thai
  • Trẻ em, từ 6 tháng tuổi đến 8 tuổi
  • Người lớn hơn 65 tuổi
  • Người hiện đang mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, hen, COPD, HIV...
  • Nhân viên y tế.

Bài viết liên quan

Gọi miễn phí
Gọi miễn phí