Viêm mũi dị ứng thời tiết
Nguyên nhân gây dị ứng mũi khá phức tạp và khó định, gồm yếu tố di truyền yếu tố giải phẫu mũi khác thường có thể làm cho niêm mạc mũi trở nên nhạy cảm hơn, như mũi bị vẹo hoặc bị gai vách ngăn,...
Sự chuyển đổi thời tiết trong khoảng giao mùa tạo nên nhiều điều kiện gây kích ứng cho niêm mạc của mũi như nhiệt độ, độ ẩm, nấm mốc, nồng độ phấn hoa,... Khi tiếp xúc với các dị nguyên này, hệ miễn dịch sẽ phản ứng bằng việc sản sinh ra hoạt chất histamin chính là nguyên nhân gây ra triệu chứng của dị ứng:
- Ngứa mũi: Ngứa mũi là biểu hiện đầu tiên khi bị viêm mũi dị ứng. Hai bên cánh mũi ngứa ngáy và có thể lây lan xuống họng hoặc gây ngứa mắt.
- Ho và hắt hơi: Ho và hắt hơi thường xuất hiện và kéo dài liên tục thành từng cơn.
- Chảy nước mũi: Các bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng thường bị chảy nước mũi loãng, tùy vào mức độ bệnh mà lượng nước mũi nhiều hay ít.
- Nghẹt mũi: Tình trạng chảy nước mũi thường gây ra nghẹt mũi ở 1 bên hoặc cả 2 bên mũi.
- Có thể xuất hiện các vùng da bị khô, có mụn nước và gây ngứa.
- Thường đau đầu, mệt mỏi, khó tập trung và gây mất ngủ.
- Bị ù tai khi tình trạng dị ứng bắt đầu chuyển nặng.
- Trẻ em bị viêm mũi dị ứng thời tiết không hắt hơi mà chỉ bị chảy nước mũi và nghẹt mũi.
- Thường kéo dài trong khoảng 1 tuần đến nửa tháng, trong lúc bị dị ứng thời tiết thường xuyên chảy nước mắt, viêm kết mạc, khó thở, hen.
Viêm mũi dị ứng gây ra rất nhiều cản trở cho người bệnh khi những cơn ho, hắt hơi và các triệu chứng khác làm gián đoạn các hoạt động hằng ngày. Bệnh nhân thường bị khó ngủ do nghẹt mũi về đêm, ngủ ngáy do nghẹt mũi và có thể gây mất khả năng cảm nhận mùi của mũi. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra các biến chứng khác như bệnh viêm xoang cấp và mạn tính, viêm kết mạc, bị viêm mũi dị ứng kéo dài có thể gây khởi phát bệnh hen.
Phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết
Đầu tiên trong việc phòng bệnh, bệnh nhân cần xác định được bệnh viêm mũi dị ứng của mình có nguyên nhân là gì, từ đó có thể hạn chế tối đa các môi trường chứa dị nguyên gây phản ứng.
- Luôn giữ môi trường sinh hoạt và làm việc sạch sẽ thoáng mát, thường xuyên lau chùi bụi bẩn và chống bám khói thuốc. Có thể làm sạch không khí trong phòng bằng máy lọc không khí.
- Hạn chế nuôi thú cưng, vật nuôi và tránh tiếp xúc với chúng.
- Từ bỏ thói quen dùng tay để ngoáy mũi.
- Hạn chế ăn tôm, cua, ghẹ, nhộng tằm, cá ngừ,... vì dễ gây dị ứng.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và không hút thuốc lá.
- Đeo khẩu trang thường xuyên khi ra đường hoặc ở những nơi có nhiều bụi bẩn, hoặc trong môi trường có dị nguyên gây kích ứng như vườn hoa, nhà kho,...
- Chú ý giữ ấm cổ họng và che kín mũi khi trời trở lạnh.
- Hạn chế các thức uống lạnh hoặc bỏ đá.
Cách trị viêm mũi dị ứng
Sử dụng thuốc điều trị:
- Sử dụng thuốc kháng histamin để ức chế sự sản sinh của hoạt chất này khi niêm mạc mũi tiếp xúc với các dị nguyên. Các loại thuốc kháng histamin có thể dùng dưới dạng thuốc xịt hoặc thuốc uống.
- Sử dụng thuốc chống nghẹt mũi để hạn chế những ảnh hưởng của bệnh đến sinh hoạt hằng ngày, tuy nhiên chỉ nên sử dụng theo số lần được chỉ dẫn, không nên lạm dụng thuốc.
- Sử dụng các loại thuốc xịt mũi thành phần chứa corticosteroid cũng là cách trị viêm mũi dị ứng để làm giảm nhẹ các triệu chứng trong trường bệnh nhân bị dị ứng cấp tính, hoặc có các biểu hiện nghiêm trọng.
Nếu tình trạng dị ứng quá nặng, bệnh nhân có thể được tiêm thuốc chống dị ứng để kiểm soát được các triệu chứng bệnh.
Một số cách giảm nhẹ triệu chứng viêm mũi dị ứng đơn giản tại nhà:
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Dùng nước muối sinh lý để rửa các dịch nhầy trong khoang mũi, có thể kháng khuẩn tốt hơn mà không gây kích ứng cho niêm mạc.
- Xông hơi bằng tinh dầu thiên nhiên: Các loại tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, tràm trà,... có thể làm thông khoang mũi khi xông hơi.
- Uống nước gừng lúc chuyển mùa: Nấu nước gừng tươi pha với mật ong và chanh để uống hằng ngày, có thể thêm đinh hương và quế. Gừng có thể giảm nghẹt mũi, chảy nước mũi,... Vì tác dụng làm ấm của gừng, bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng thời tiết nên uống nước gừng mỗi buổi sáng lúc trời chuyển lạnh.
- Bổ sung vitamin C: Vitamin C là loại hợp chất dinh dưỡng có nhiều tác dụng, trong đó có cả tính kháng histamin là nguyên nhân gây ra triệu chứng viêm mũi dị ứng. Các thức ăn chứa nhiều vitamin C có thể kể đến như cam, quýt, ổi, kiwi, dâu tây, cà chua, ớt chuông, khoai tây, giá đỗ,...