Lợi và hại của tia cực tím đến sức khoẻ
Tia cực tím là gì?
Ánh sáng từ mặt trời phát ra rất nhiều loại tia trong đó có tia cực tím (hay còn gọi là tia UV, hay tia tử ngoại). Tia UV có bước sóng thấp, tần số cao và không nhìn được bằng mắt thường. Do vậy tia UV không chỉ xuất hiện nhiều ở những ngày nắng nóng mà còn tồn tại kể cả khi trời mưa hay âm u. Cường độ tia UV (UVI) thay đổi theo thời gian trong ngày và theo mùa do nhiều yếu tố khác nhau. Các khu vực càng gần xích đạo, mặt trời lên càng cao, trời càng ít mây... thì chỉ số UV càng cao. Tùy vào mức độ mạnh hay yếu, nhiều hay ít, chúng sẽ ảnh hưởng tích cực hay gây hại đến sức khỏe con người cũng như sinh vật trên trái đất.
Có bao nhiêu loại tia UV?
Tia UV từ ánh sáng mặt trời được phân loại thành 3 loại: UVA (bước sóng dài nhất), UVB và UVC (bước sóng ngắn nhất). UVC không thể đi qua khí quyển và không gây nguy hại cho con người, trong khi UVA và UVB có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe nếu tiếp xúc quá nhiều.
- Tia UVA: chiếm 95% trong ánh sáng mặt trời, có khả năng xuyên qua thủy tinh, cửa kính xe, cửa sổ, thâm nhập sâu vào da và có thể gây ra hư hại da nghiêm trọng.
- Tia UVB: chỉ chiếm 5% trong ánh sáng mặt trời chiếu tới trái đất nhưng là loại tia có năng lượng cao hơn UVA, tác động mạnh lên bề mặt của làn da và là nguyên nhân chính của cháy nắng và ung thư da.
Tác hại của tia UV?
- Tia UV xuyên thấu vào tầng biên của da và tác động lên tế bào da. Điều này gây ra sự thay đổi trong cấu trúc của da, dẫn đến sự phát triển của các khối u, làm tăng nguy cơ ung thư da.
- Collagen và Elastin là hai loại protein quan trọng trong da, giúp da mềm mại và đàn hồi. Khi da tiếp xúc với tia cực tím, các tế bào da sẽ bị tổn thương, dẫn đến sự suy giảm của Collagen và Elastin. Khi đó, da sẽ có xu hướng bị chùng nhão, xuất hiện các vết chân chim, nếp nhăn và đốm nâu.
- Khi da tiếp xúc với tia UVB, các tế bào sẽ bị kích thích và sản xuất ra Melanin - một chất sắc tố màu nâu đen dể bảo vệ da khỏi tác động của tia cực tím, nhưng đôi khi sản lượng được sản xuất không đủ để bảo vệ da. Khi đó, tế bào da sẽ bị tổn thương, gây ra hiện tượng cháy nắng trên da.
- Tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím trong thời gian dài sẽ làm tổn thương các tế bào của hệ miễn dịch, dẫn đến sự suy yếu của hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể, làm mất đi khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Từ đó, cơ thể sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch, chẳng hạn như nhiễm trùng, bệnh lý về tế bào miễn dịch và ung thư. Ngoài ra, tia cực tím cũng gây ra sự suy giảm của quá trình sản xuất vitamin D trong cơ thể. Đây là một loại vitamin quan trọng đối với sức khỏe của hệ miễn dịch. Việc suy giảm số lượng vitamin D khiến cho hoạt động của hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng trầm trọng.
- Tia tia cực tím tác động vào võng mạc và giác mạc mắt gây đục thủy tinh thể, suy hoại võng mạc và cườm mắt, có thể gây lòa hay mù mắt.
Tia UV có tác dụng gì?
Bên cạnh những tác hại gây ra cho cơ thể, làn da, tia UV cũng mang lại những lợi ích sau:
- Kích hoạt Vitamin D: Tia UVB trong ánh sáng mặt trời có khả năng kích hoạt quá trình tổng hợp của vitamin D trong cơ thể. Vitamin D là một dạng vitamin quan trọng cho sức khỏe xương và răng, và nó cũng có vai trò trong chức năng miễn dịch.
- Khử khuẩn, tiệt trùng: Tia UVC có khả năng diệt khuẩn và kháng vi khuẩn nhờ tính năng khả năng phá hủy DNA và RNA. Do đó, loại tia UVC được ứng dụng rộng rãi trong công tác khử trùng, quá trình xử lý nước, làm sạch không khí, và trong một số quy trình y tế.
- Hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da như vảy nến. Tuy nhiên, cần được tiến hành dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa da liễu
Cách bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV?
- Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian 10h-16h, nhất là khoảng 11h-14h
- Nếu phải ra ngoài, nên mặc các loại quần áo dài tay, đeo khẩu trang, đội mũ nón rộng vành có chất liệu dày dặn, thấm mồ hôi, thoáng mát.
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF 30 trở lên
- Để bảo vệ mắt, cần đeo kính râm, tốt nhất nên chọn loại kính có thể chống được các tia UV.
- Thoa kem chống nắng lên tất cả các vùng da không được che chắn, bảo vệ bằng quần áo như cổ, tay, chân, mặt, mũi, tai….
- Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài từ 15-30 phút.
- Sau 1 giờ hoặc 1,5 giờ tiếp xúc với ánh nắng cần thoa lại kem chống nắng.
- Bôi kem chống nắng cho trẻ em loại dành cho trẻ, nếu trẻ cùng đi ra ngoài trời, tuy nhiên với trẻ dưới 6 tháng tuổi tuyệt đối không bôi kem chống nắng.
Vào những ngày hè, nắng chói chang gay gắt rất dễ gây ra sốc nhiệt, ảnh hưởng lớn đến da và mắt nếu không được bảo vệ cẩn thận. Để tránh tác động tiêu cực từ tia UV , hãy lựa chọn những biện pháp chống nắng phù hợp để chủ động bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.