Trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao
Thực tế hiện nay, nhiều người dân không hiểu rõ tình trạng suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em sẽ có tác động như thế nào đến sự phát triển trí não, cũng như khả năng học tập của trẻ em, và nhìn xa hơn thì tình trạng này có tác động đến hệ thống y tế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát biểu tại buổi tọa đàm “Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em trong dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)” được tổ chức vừa qua, TS. BS Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế cho biết, có nhiều nhầm lẫn khác nhau về khái niệm suy dinh dưỡng và cái mà chúng ta đề cập đến trong Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này là thể suy dinh dưỡng nào. Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng do bệnh tật hoặc do thiếu ăn, ảnh hưởng đến các sự phát triển thể chất và trí tuệ của cơ thể.
Suy dinh dưỡng được chia thành 2 thể: suy dinh dưỡng cấp tính và suy dinh dưỡng mãn tính. Cấp tính là thể suy dinh dưỡng cân nặng thiếu so với chiều cao ở đối tượng đó, và có thể gọi là suy dinh dưỡng gầy còm. Còn suy dinh dưỡng mãn tính ảnh hưởng đến chiều cao so với tuổi của đối tượng, còn gọi là suy dinh dưỡng thấp còi. Các tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi được đưa vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Suy dinh dưỡng cấp tính được xác định theo cân nặng, chiều cao của đối tượng đó dưới -2 đơn vị đạt chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vòng cánh tay của bé dưới 12cm. Thể nặng của đối tượng dưới -3 đơn vị đạt chuẩn, vòng cánh tay của bé dưới 11cm hoặc bệnh nhân có biểu hiện phù, teo đét. Suy dinh dưỡng cấp tính có nguyên nhân bởi tình trạng thiếu ăn và bệnh tật phổ biến như tiêu chảy hoặc viêm phổi ở trẻ em. Vì vậy tỷ lệ này sẽ tăng cao, rất cao trong trường hợp thiếu an ninh lương thực thực phẩm hoặc bệnh dịch nào đó.
TS.BS Huỳnh Nam Phương cho biết thêm, hiện tại tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính ở Việt Nam khoảng 6 - 7%, mỗi năm chúng ta phải đối phó với 700.000 ca suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó thể nặng 230.000 ca cần được điều trị. Sự phân bố của suy dinh dưỡng cấp tính theo vùng miền: cao ở vùng miền núi phía Bắc (20.000 ca), Tây Nguyên (38.000 ca), vùng dân tộc thiểu số (50.000 ca). Hậu quả của suy dinh dưỡng đối với trẻ em cao gấp 9-20 lần so với trẻ bình thường và nguy cơ mắc các bệnh khác về nhiễm khuẩn hoặc hồi phục sẽ chậm và ảnh hưởng lâu dài đến trí tuệ, thể chất, khả năng học tập, rộng hơn là ảnh hưởng đến các chi phí của gia đình, xã hội cũng như quốc gia.