NHỊP TIM NHANH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Chia sẻ bài viết

Thế nào là nhịp tim đập nhanh?

Nhịp tim ở mỗi người có thể khác nhau phụ thuộc vào thể trạng, giới tính và độ tuổi. Đối với người trưởng thành, trong trường hợp nghỉ ngơi không vận động thì nhịp tim chuẩn sẽ trong khoảng từ 60 - 100 nhịp/phút. Nếu nhịp tim vượt quá mốc này thì được cho là nhịp tim nhanh.

Nhịp tim nhanh có thể chỉ xảy ra ở tâm nhĩ (hai ngăn trên của tim) hoặc chỉ ở tâm thất (hai ngăn dưới của tim). Nhịp nhanh nhĩ không đe dọa đến tính mạng nhưng để lại hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe và có liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao. Nhịp nhanh thất (còn gọi là rung thất), các buồng tim không thể co bóp, mất khả năng bơm máu do hoạt động điện sinh lý rối loạn và bất thường trong các tế bào cơ. Rung thất gây ngừng tim trong vòng vài phút và là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đột tử.

Nguyên nhân tim đập nhanh?

Thông thường, tim đập nhanh có thể liên quan đến vấn đề bệnh lý hoặc không. Các nguyên nhân bên ngoài bao gồm:

  • Cảm xúc mạnh như căng thẳng và lo lắng, stress, thức khuya.
  • Vận động, tập thể dục quá mức;
  • Sử dụng caffeine và các chất kích thích khác có thể làm tăng nhịp tim.
  • Uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có gas, socola.
  • Thay đổi hormone, đặc biệt là trong thai kỳ hoặc do rối loạn tuyến giáp, có thể ảnh hưởng đến nhịp tim
  • Thuốc, bao gồm thuốc ăn kiêng, thuốc thông mũi, thuốc hít hen suyễn và một số loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa loạn nhịp tim hoặc điều trị suy giáp.
  • Một số chất bổ sung dinh dưỡng và thảo dược.
  • Mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể, như kali và magiê, natri có thể ảnh hưởng đến nhịp tim.
  • Một số người bị tăng nhịp tim sau các bữa ăn nặng giàu carbohydrate, đường hoặc chất béo hoặc nhạy cảm quá mức khi ăn thực phẩm có nhiều bột ngọt (MSG), nitrat hoặc natri cũng có thể gây ra tình trạng này.

Các nguyên nhân có thể liên quan đến bệnh lý như:

  • Bệnh lý  tuyến giáp: Cường giáp, basedow... lượng đường trong máu thấp, thiếu máu, huyết áp thấp, sốt và mất nước (Dehydration), rối loạn thần kinh thực vật...\\
  • Bệnh lý liên quan đến tim:
    • Trước cơn đau tim
    • Bệnh động mạch vành
    • Suy tim
    • Các vấn đề về van tim
    • Các vấn đề về cơ tim

Triệu chứng nhịp tim nhanh thường gặp ?

Tim đập nhanh có thể cảm thấy như tim bị bỏ qua nhịp, rung động quá nhanh, tim đập nhanh bất thường hoặc đập loạn nhịp bất thường trong khoảng vài giây cho đến vài phút. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cảm thấy tim đập nhanh ở cổ hoặc ngực. Tình trạng này có thể xảy ra ngay cả khi đang hoạt động hoặc lúc nghỉ ngơi. Một số dấu hiệu có thể đi kèm triệu chứng nhịp tim bất ổn như:

  • Cảm nhận rõ tim đập mạnh, thình thịch trong ngực, cổ, họng và lồng ngực bị rung lên.
  • Khó thở: Người bệnh có thể cảm thấy khó thở hoặc thở hụt hơi, phải rướn người lên mới thở được.
  • Cảm giác chóng mặt hoặc lâng lâng, đôi khi có thể dẫn đến ngất xỉu.
  • Mặc dù không phải là triệu chứng thường gặp nhưng đau ngực có thể xảy ra, đặc biệt nếu tình trạng nhịp tim nhanh do các vấn đề tim mạch gây ra.
  • Cảm thấy mệt mỏi bất thường hoặc kiệt sức, do tim phải làm việc quá sức.
  • Nhịp tim không đều: Cảm giác nhịp tim không ổn định hoặc có "bỏ nhịp, lỗi nhịp"
  • Cảm giác bồn chồn hoặc lo lắng không rõ nguyên nhân

Nhịp tim nhanh có nguy hiểm không?

Tình trạng tim đập nhanh bất thường nếu không được chẩn đoán và điều trị rối loạn nhịp tim kịp thời, có thể gây biến chứng đe dọa sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng, như:

  • Ngừng tim: Ngừng tim là hiện tượng người bệnh không còn phản ứng, không thở bình thường và không có dấu hiệu tuần hoàn. Nếu không có biện pháp khắc phục nhanh chóng, ngừng tim sẽ dẫn đến tử vong đột ngột. Ngưng tim do loạn nhịp tim hầu như không có dấu hiệu báo trước và chỉ khoảng 10% những người bị ngừng tim có cơ hội sống sót khi xuất viện và hầu hết đều bị suy yếu thần kinh.
  • Suy tim: Suy tim là hội chứng rối loạn chức năng của tâm thất, khiến tim không thể bơm đủ máu cho cơ thể, không theo kịp nhu cầu trao đổi chất. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong do tim mạch trên thế giới.
  • Đột quỵ: xảy ra khi có sự gián đoạn lưu lượng máu đến một khu vực nhất định của não. Bệnh nhân với nhịp tim đập nhanh có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Khi nhịp tim không đều, máu có thể tích tụ trong tim và hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông đó di chuyển ra khỏi tim đến động mạch vận chuyển máu lên não, nó có thể gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ.

Làm gì để giảm nhịp tim?

Trước tiên phải biết rõ nguyên nhân để lựa chọn cách điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Người bệnh nên đi khám ở những địa chỉ y tế uy tín để tìm được chính xác nguyên nhân gây tim đập nhanh và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Khi thăm khám, hãy thông báo cho bác sĩ biết các loại bệnh, thuốc mà bản thân đang dùng để bác sĩ quyết định phương pháp và loại thuốc phù hợp nhất. Đồng thời, hãy thông báo cho bác sĩ biết những loại bệnh mà bản thân mắc phải như: cao huyết áp, bệnh tuyến giáp, đái tháo đường...

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, nên thay đổi lối sống và thực đơn cho phù hợp, tránh dùng các loại thức ăn, đồ uống có thể gây tăng nhịp tim, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá, thuốc bổ.

Đồng thời, tăng cường luyện tập giảm béo, áp dụng các liệu pháp giảm stress như: tập dưỡng sinh, ngồi thiền, yoga, đi bộ, bơi lội, liệu pháp giao tiếp, tăng cường cuộc sống giao lưu, vận động, tiếp xúc cộng đồng để làm cho cuộc sống có ý nghĩa, sống vui, khỏe để cuối cùng làm giảm nhịp tim và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Để "Bảo vệ trái tim bằng cả trái tim", và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm, hãy nhanh chóng thăm khám chuyên khoa tim mạch khi thấy triệu chứng tim đập nhanh bất thường và tầm soát tim mạch định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần. 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Gọi miễn phí
Gọi miễn phí