CÁCH KIỂM SOÁT MỠ MÁU KHÔNG CẦN DÙNG THUỐC

Chia sẻ bài viết

Mỡ máu và vai trò của mỡ máu với cơ thể?

Mỡ máu (hay còn gọi là lipid máu) là một dạng chất béo lưu thông trong máu, bao gồm hai thành phần chính là cholesterol và chất béo trung tính (triglyceride). Đây là những chất thiết yếu mà cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường.

Lipid, cùng với protein và carbohydrate, là các thành phần cấu tạo chính của tế bào sống. Trong đó, cholesterol và chất béo trung tính được lưu trữ trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng:

  • Cholesterol: Được gan sản xuất và vận chuyển qua máu. Ngoài ra, cơ thể tiếp thu cholesterol từ thực phẩm như thịt động vật, trứng và các sản phẩm từ sữa.  Cholesterol cung cấp nguyên liệu cần thiết để xây dựng thành tế bào và sản xuất hormone. Cholesterol bao gồm 2 thành phần: lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL).
    • LDL Cholesterol: Đây là loại cholesterol được gọi là “cholesterol xấu”, có thể tích tụ trong mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

    • HDL Cholesterol: Đây là loại cholesterol được gọi là “cholesterol tốt”, giúp giảm sự tích tụ LDL cholesterol (LDL-C) trong mạch máu. Khi cơ thể có cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), hay được gọi là cholesterol “tốt” thì các động mạch được thông thoáng và máu lưu thông dễ dàng hơn.

  • Chất béo trung tính: Đây là nguồn năng lượng dự trữ chính của cơ thể, đồng thời tham gia vào quá trình trao đổi chất và hỗ trợ vận chuyển chất béo từ chế độ ăn uống đi khắp cơ thể. Cơ thể lấy chất béo trung tính từ thực phẩm (đặc biệt là thịt và dầu thực vật) hoặc cũng tự tạo ra chất béo trung tính.

Chất béo trong chế độ ăn uống rất cần thiết để duy trì sức khỏe của làn da và ngăn ngừa bệnh mạn tính. Bổ sung lượng chất béo được khuyến nghị nên lấy từ nhiều nguồn thực phẩm lành mạnh khác nhau sẽ giúp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể.

Mỡ máu bao nhiêu là cao?

Tình trạng mỡ máu ở mức cao hơn bình thường sẽ được đánh giá qua 4 chỉ số gồm: cholesterol toàn phần, cholesterol xấu LDL, tốt HDL và chất béo trung tính triglyceride. Theo đó, chỉ số mỡ máu cao là khi:

  • Chỉ số cholesterol toàn phần từ 240 mg/dL trở lên cảnh báo cholesterol trong máu tăng và bạn có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao gấp đôi bình thường.
  • Chỉ số cholesterol tốt HDL ở nam giới dưới 40mg và ở nữ giới dưới 50 mg là một mức cholesterol tốt thấp. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch.
  • Chỉ số cholesterol xấu LDL trong khoảng 160 - 189 mg/dL là mức cao, bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và biến chứng cao.
  • Chỉ số cholesterol xấu LDL từ 190 mg/dL trở lên cảnh báo mỡ máu rất cao, tương ứng với nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch và biến chứng rất cao.
  • Chỉ số triglycerides trong máu từ 200 - 499 mg/dL là tăng cao hơn bình thường. Chỉ số này ở mức trên 500 mg/dL là một mức tăng rất cao.

Mỡ máu cao có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám trên thành mạch máu, làm tắc nghẽn động mạch và gây ra huyết áp cao, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch. Trường hợp chất béo trung tính cao làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa, do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các rối loạn khác, bao gồm cả bệnh đái tháo đường. Do đó, mỗi người nên chủ động khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm kiểm tra mỡ máu để phát hiện sớm bất thường và điều trị kịp thời.

Thuốc có thể giúp cải thiện chỉ số cholesterol. Tuy nhiên trước khi sử dụng thuốc, hãy thử thay đổi lối sống để kiểm soát mỡ máu. Ngay cả khi bạn đang sử dụng thuốc hạ mỡ máu, những thay đổi lối sống dưới đây có thể giúp tăng hiệu quả giảm mỡ máu.

1. Lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khoẻ

- Giảm chất béo bão hòa: chất béo bão hòa được tìm thấy chủ yếu trong thịt đỏ và các sản phẩm chế biến từ sữa đầy đủ chất béo. Khi sử dụng các loại thực phẩm này sẽ làm tăng tổng lượng cholesterol trong máu. Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa có thể giảm cholesterol xấu.

- Loại bỏ chất béo chuyển hóa (chất béo trans): chất béo chuyển hóa còn được gọi là axit béo chuyển hóa, được tìm thấy trong đồ ăn nhanh, thực vật và trong một số bơ thực vật, bánh quy giòn, bánh quy, thực phẩm ăn nhẹ và các loại thực phẩm khác. Chúng được coi là chất béo 'xấu' vì, giống như chất béo bão hòa, chúng có thể làm tăng mức LDL-cholesterol “xấu” trong máu. Chất béo chuyển hóa cũng có thể làm giảm mức cholesterol HDL “tốt” và có thể làm tăng mức chất béo trung tính. Chất béo chuyển hóa sẽ xuất hiện trên nhãn thành phần sản phẩm với cái tên như dầu thực vật hydro hóa một phần, hoặc dầu thực vật hydro hóa.

- Ăn thực phẩm giàu axit béo omega-3: axit béo omega-3 đem lại những lợi ích tốt cho sức khỏe tim mạch, bao gồm giảm huyết áp. Thực phẩm có axit béo omega-3 như là cá hồi, cá thu, cá trích, quả óc chó và hạt hạnh nhân.

- Tăng chất xơ hòa tan: chất xơ hòa tan có thể làm giảm sự hấp thu cholesterol vào máu. Chất xơ hòa tan được tìm thấy trong các loại thực phẩm như bột yến mạch, đậu thận, mầm Brussels, táo và lê.

2. Duy trì tập thể dục và tăng cường hoạt động thể chất

Tập thể dục có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách tăng cường cholesterol tốt (HDL). Các hoạt động thể chất vừa phải, như đi bộ nhanh hoặc đạp xe, không chỉ giúp tăng HDL mà còn hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Các chuyên gia khuyến nghị nên tập luyện ít nhất 30 phút mỗi lần, năm lần một tuần, hoặc tham gia các bài tập aerobic trong 20 phút/ lần, 03 lần/tuần.

Ngay cả khi bạn không có nhiều thời gian, việc chia nhỏ các bài tập thành nhiều khoảng thời gian ngắn trong ngày cũng có lợi. Bạn có thể thử đi bộ nhanh hằng ngày, đạp xe đi làm, hoặc tham gia một môn thể thao yêu thích. Để duy trì động lực, hãy tìm một người bạn tập luyện hoặc tham gia vào các nhóm thể thao – điều này không chỉ giúp bạn hứng thú hơn mà còn tăng hiệu quả tập luyện.

3. Bỏ thuốc lá

Các hóa chất có trong khói thuốc lá có thể làm giảm mức HDL cholesterol theo nhiều cách khác nhau. Chúng làm giảm các protein trung chuyển lipid máu (CETP) và chất béo lecithin, cả hai chất này lại cần thiết cho việc tạo ra HDL-C. Đồng thời, thói quen hút thuốc lá cũng làm suy yếu chức năng gan trong việc loại bỏ chất béo dư thừa ra khỏi cơ thể, khiến nồng độ LDL cholesterol tăng là làm giảm HDL cholesterol. Việc bỏ thuốc lá sẽ giúp cải thiện chỉ số cholesterol HDL. Lợi ích của việc bỏ thuốc lá:

  • Trong vòng 20 phút sau khi bỏ thuốc, huyết áp và nhịp tim sẽ hồi phục sau khi tăng đột biến do hút thuốc lá.
  • Trong vòng ba tháng sau khi bỏ thuốc, tuần hoàn máu và chức năng phổi của bạn bắt đầu được cải thiện.
  • Trong vòng một năm bỏ thuốc, nguy cơ mắc bệnh tim  sẽ giảm chỉ bằng một nửa so với khi hút thuốc lá.

4. Giảm cân

Ở những người thừa cân, béo phì, lượng chất béo trung tính trong máu tăng cao. Khi đó, HDL cholesterol sẽ bị phân hủy nhanh hơn và bị giảm số lượng. Chỉ cần giảm một vài cân thừa cũng có thể giúp cải thiện chỉ số cholesterol của bạn. Hãy bắt đầu bằng cách thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc. Khi ăn nhẹ, chọn các món như bỏng ngô không bơ hoặc bánh mì nguyên cám, và đừng quên theo dõi lượng calo nạp vào. Đồng thời, hãy cố gắng kết hợp thêm hoạt động thể chất vào thói quen hàng ngày của bạn. Chẳng hạn, chọn đi cầu thang bộ thay vì thang máy, đỗ xe xa hơn và đi bộ đến văn phòng. Dành thời gian đi dạo trong giờ nghỉ hoặc tham gia các hoạt động như nấu ăn, làm vườn để tăng cường vận động sau một ngày làm việc ngồi nhiều. Những thay đổi nhỏ này không chỉ giúp bạn kiểm soát cân nặng mà còn cải thiện sức khỏe tim mạch và tổng thể.

5. Hạn chế sử dụng rượu bia

Uống nhiều rượu có thể dẫn đến tình trạng tăng mức chất béo trung tính và giảm HDL cholesterol. Do đó, nên hạn chế uống rượu, tốt nhất là không uống. 

Đôi khi việc thay đổi lối sống lành mạnh không đủ để làm hạ mỡ máu. Chính vì vậy nếu bác sĩ khuyên bạn sử dụng thuốc hạ mỡ máu, bạn hãy dùng thuốc theo hướng dẫn và tiếp tục thay đổi lối sống như trên. Thay đổi lối sống có thể giúp bạn giữ liều thuốc thấp, tăng hiệu quả kiểm soát mỡ máu. 

Bên cạnh đó, kiểm tra các chỉ số mỡ máu thường xuyên để xác định được nguyên nhân gây ảnh hưởng, kịp thời điều trị cũng là cách để chủ động bảo vệ sức khoẻ của trái tim!

Cần tư vấn, liên hệ ngay Dược sĩ nhà thuốc tại Fanfage, Zalo OA hoặc hotline 024.6261.0246

Hải Phương Pharmacy - Tận tâm vì sức khoẻ người việt từ năm 2007!

 

 

 

Bài viết liên quan

Gọi miễn phí
Gọi miễn phí